Thách thức kiềm chế giá

Thứ sáu, 08/01/2010 20:33
Do một số loại hàng hóa trên thị trường thế giới có chiều hướng tăng (gạo, phân bón, phôi thép...), sức mua trên thị trường tiếp tục tăng vào thời gian cận Tết, giá nhiều loại hàng hóa nhập khẩu có xu hướng cao hơn do biến động về tỷ giá ngoại tệ... đã gia tăng sức ép, đang tác động đến giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường.

Giá cả hàng hóa tháng 1-2010 dự báo sẽ tăng khoảng 1,1% so với tháng 12-2009. Nếu mức tăng trên trở thành hiện thực, giá cả tháng 1 năm nay sẽ tăng cao hơn so với bình quân của cả năm 2009 và cùng kỳ năm 2009.

Vì vậy, để quản lý hữu hiệu giá cả trong dịp Tết Nguyên đán, tránh việc tăng giá tự phát, gây sốc cho nền kinh tế, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao, chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường, kịp thời có các biện pháp bình ổn giá nếu xảy ra tình trạng đột biến giá cả.

Cơ quan quản lý giá cần kiểm tra thường xuyên việc thu các loại phí dịch vụ, giá cả hàng hóa, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá trái phép như ngay trong dịp đón năm mới 2010 vừa qua. Những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm (không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ, găm hàng...) tùy theo mức độ vi phạm phải được xử phạt đúng mức để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” vô lối.

Trong bối cảnh mặt bằng giá cả trong, ngoài nước đang có xu hướng tăng khi nền kinh tế phục hồi, việc bình ổn giá cả dịp Tết và trong cả năm 2010 không phải là điều dễ dàng, nhất là trong xu thế bị tác động tiêu cực bởi độ trễ từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa từ năm 2009 chuyển sang. Thực tế, nhiều mặt hàng trên thị trường như thịt heo, đường, gạo, bánh kẹo... tại nhiều chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ đang có xu hướng tăng cao mặc dù còn hơn 1 tháng mới đến Tết Canh Dần. Đây là những nơi khó kiểm soát giá cả nhất, là một thách thức trong việc bình ổn thị trường.

Để kiềm chế giá cả tăng cao, điểm mấu chốt bao giờ cũng là giải bài toán cung - cầu hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. Về khía cạnh này, bên cạnh việc đảm bảo được nguồn cung, công tác thông tin, tuyên truyền rất cần chú trọng.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, diễn biến phức tạp của giá cả hàng hóa đầu năm 2010 ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng một phần còn do sự bất nhất của chính cơ quan quản lý trong công tác thống kê, dự báo. Chẳng hạn, Tổng cục Thống kê cách đây không lâu công bố tổng lượng hàng hóa tồn kho năm 2009 của cả nước tăng gấp đôi năm 2008, nghĩa là dư cung rất lớn, người dân không phải lo giá tăng do khan hiếm hàng hóa.

Tuy nhiên, cũng theo tài liệu thống kê khác của chính cơ quan này, hàng tồn kho năm 2009 đã hết, tức nguồn cung sẽ bị thiếu hụt. Thông tin như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng và tâm lý người dân.

Năm 2010 giá cả hàng hóa được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn và chịu tác động nhiều yếu tố: mặt bằng giá cả thế giới; diễn biến của thời tiết, dịch bệnh; các gói kích thích kinh tế tiếp tục được thực hiện sẽ làm tăng cung tiền trong lưu thông; việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình (từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng); tiếp tục điều chỉnh tăng giá đầu vào một số mặt hàng quan trọng như than, điện, nước... Vì vậy để kiềm chế tăng giá đòi hỏi sự linh hoạt trong phương thức điều hành chính sách và các giải pháp vĩ mô cụ thể.

Mặt khác, theo nguyên tắc thị trường, giá cả điều hành theo thị trường đòi hỏi phải có sự cạnh tranh thực sự. Giá cả tăng phải căn cứ vào chi phí sản xuất nhưng các mặt hàng trên tăng căn cứ vào đâu, vẫn chưa được làm rõ, chưa thuyết phục người tiêu dùng do việc kiểm soát chi phí, giá thành các doanh nghiệp nhà nước chưa minh bạch.

Để tạo thuận lợi môi trường đầu tư, kinh doanh, Nhà nước nên thiết kế các chính sách khuyến khích để tự doanh nghiệp tính toán làm ăn có lãi nhưng chi phí sản xuất ở mức thấp nhất. Ở một số nước, các doanh nghiệp độc quyền nếu có mức tăng giá hàng hóa thấp hơn so với mức lạm phát chung sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ...

Bên cạnh đó, đối với những mặt hàng nhạy cảm với đời sống người dân như điện, nước sạch sinh hoạt... Nhà nước có những hỗ trợ nhất định chứ không phải chỉ điều chỉnh tăng theo đề nghị của doanh nghiệp.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực