Thị trường Trái phiếu 2010: Kỳ vọng hồi phục

Thứ sáu, 15/01/2010 14:54
Động thái mua ròng nhiều tháng cuối năm 2009 của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) ít nhiều có tác động tích cực tới thị trường trái phiếu. Tuy nhiên khối lượng mua ròng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với lượng tiền rút ra.

Việc NĐTNN có hứng thú với thị trường hay không vẫn đang là câu hỏi. Theo nhiều chuyên gia, nếu thể chế được hoàn thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường trái phiếu sẽ khởi sắc trong năm 2010.

Trái phiếu ngoại tệ hút trái phiếu nội tệ

Tính đến hết năm 2009, có khoảng 70 đợt phát hành trái phiếu được thực hiện bao gồm trái phiếu: kho bạc nhà nước (KBNN), ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách xã hội và các trái phiếu chính quyền địa phương. Theo thống kê của Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV), chỉ có trên 2.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu KBNN được phát hành trên tổng số 15.000 tỷ đồng gọi thầu. Nguyên nhân do thị trường trái phiếu thứ cấp ảm đạm, thanh khoản ở mức thấp, thể hiện qua giá trị trái phiếu được chuyển nhượng trên thị trường cũng như các số liệu thống kê giao dịch trung bình trong phiên. Tổng giá trị trái phiếu được chuyển nhượng qua sàn trong năm 2009 vào khoảng 77.500 tỷ đồng, chỉ bằng 40% so với mức 195.600 tỷ đồng của năm 2008. Giá trị trái phiếu được chuyển nhượng trung bình trong một phiên giao dịch cũng giảm mạnh, xoay quanh mức 300 tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với mức 800 tỷ đồng/phiên của năm 2008. Đặc biệt, trái phiếu chính quyền địa phương gần như không được quan tâm.

Về cơ bản, kế hoạch phát hành 56.000 tỷ đồng huy động vốn trái phiếu của Chính phủ đề ra từ đầu năm 2009 không thực hiện được như mong đợi. NĐTNN đã dần rút vốn khỏi thị trường. Tuy nhiên Chính phủ không phải chịu áp lực lớn trong việc huy động vốn không thành công, do một phần trái phiếu phát hành thành công trong các năm trước được chuyển sang giải ngân trong năm 2009 (khoảng 8.000 tỷ đồng). Thêm vào đó, bản thân các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng giải ngân chậm tiến độ.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), diễn biến lãi suất trên thị trường thứ cấp phụ thuộc vào các chính sách điều tiết tiền tệ của Chính phủ. Kể từ cuối năm 2008 tới hết quý I-2009, lãi suất trái phiếu thứ cấp giảm mạnh, từ mức 12-15%/năm xuống mức 8-9%/năm, do chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp nới lỏng tiền tệ, cũng như việc trần lãi suất trên thị trường sơ cấp giảm mạnh từ 17,5% xuống 8%. Tuy nhiên kể từ quý II-2009, Chính phủ một lần nữa có động thái thắt chặt tiền tệ, ưu tiên bình ổn kinh tế và kiểm soát lạm phát, lãi suất trái phiếu đảo chiều tăng trở lại và cơ bản duy trì xu hướng tăng cho tới cuối năm 2009, dao động quanh mức 11,5-12%.

Một điểm nhấn quan trọng trong thị trường TPCP năm 2009 là việc Chính phủ cho phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ ở thị trường vốn trong nước. Trong năm 2009, TPCP bằng USD được phát hành khá thành công, với khối lượng huy động đạt 530,2 triệu USD (tương đương 9.278 tỷ đồng, theo tỷ giá ước tính 17.500 đồng/USD) trên tổng số 850 triệu USD gọi thầu. Loại hình trái phiếu kho bạc bằng USD có mức độ thành công cao nhất, đạt 62% trong khi loại hình trái phiếu này phát hành bằng VNĐ chỉ thành công 15%.

Nhiều mã, thiếu chuẩn mực

Năm 2009, mức độ tham gia thị trường của khối NĐTNN kém hẳn so với các năm trước. Động thái mua ròng của NĐTNN nửa cuối năm 2009 có thể coi là tín hiệu tích cực đối với thị trường, nhưng cũng chưa chứng tỏ được nhu cầu đầu tư thực sự, có thể phần lớn do các giao dịch repo thực hiện cho vay giữa khối nước ngoài và khối trong nước. Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch VBMA, cho biết ngoài nguyên nhân suy thoái kinh tế, thị trường trái phiếu Việt Nam hiện vẫn còn kém hấp dẫn so với một số nước khu vực châu Á trong mắt NĐTNN. Năm 2009, IndonesiaPhilippines có sự vươn lên mạnh mẽ thu hút NĐTNN bằng trái phiếu. Tuy đây là hai quốc gia có định hạng tín dụng tương đồng so với nước ta, nhưng lại có cơ sở hạ tầng trái phiếu tốt hơn, đồng thời không có rủi ro về mặt tỷ giá.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất bại của nhiều lần phát hành TPCP trên thị trường sơ cấp cũng như những giao dịch trên thị trường thứ cấp là việc chậm tái cấu trúc số lượng các mã TPCP. Bởi số lượng mã trái phiếu trên 500 là quá nhiều, manh mún, thiếu chuẩn mực về kỳ hạn... Chính vì vậy, để hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường này trong năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên kế hoạch giao cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện chuyển đổi thành một số loại trái phiếu có chuẩn mực cụ thể.

Khôi phục niềm tin

Theo phân tích của các chuyên gia, việc Việt Nam vượt qua đáy suy giảm kinh tế và đang hồi phục mạnh mẽ sẽ là nhân tố thu hút các NĐTNN trở lại với thị trường trái phiếu. Năm 2009, dù bị tác động mạnh mẽ bởi khủng hoảng, Việt Nam là một trong 12 quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Năm 2010, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, nhưng theo nhận định của nhiều định chế tài chính, mức tăng có thể cao hơn. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất nói chung, cũng như như lãi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã tăng ở mức khá cao, được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm hơn nữa của nhà đầu tư. Hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt mới được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2009 đã tạo điều kiện cho hoạt động của thị trường thuận lợi hơn. Bên cạnh đó VBMA ra đời đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các nhà đầu tư và cơ quan quản lý thị trường, bước đầu đã có các hoạt động tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực giao dịch, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng và hàng hóa cho thị trường trái phiếu Việt Nam.

Cuối năm 2008, đầu năm 2009, nhiều NĐTNN đã phải chịu lỗ khi rút khỏi thị trường trái phiếu Việt Nam. Vì vậy, họ phải có thời gian nhất định trước khi quyết định quay lại thị trường. Trong khi đó chúng ta cũng rất cần có thời gian để hoàn thiện thị trường. Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện những kế hoạch đã đề ra nhằm giúp thị trường phát triển. Trong đó đặc biệt chú trọng phát hành trái phiếu kết hợp chính sách tài khóa, chính sách thu nợ và chính sách tiền tệ, nhằm đảm bảo mục tiêu huy động được vốn nhưng vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng và chống lạm phát...

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch giảm bớt số lượng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường để nâng cao tính thanh khoản thị trường. Theo đó sẽ tiến hành cơ cấu, mua lại số lượng trái phiếu theo kế hoạch đã đề ra, khi điều kiện thuận lợi sẽ thực hiện ngay. Đây được xem là cách hữu hiệu để nâng cao tính thanh khoản và cũng là kiến nghị của nhiều tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản pháp lý đối với thị trường trái phiếu. Trong đó, quy định cụ thể về việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu lô lớn, hạn chế việc phát hành lô nhỏ lẻ...

Kinh tế nước ta đang dần phục hồi, NĐTNN sẽ sớm quay trở lại. Bên cạnh đó, trong thời gian qua có sự phát triển của các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm. Lực lượng này rất cần có công cụ trung và dài hạn để đảm bảo hoạt động của mình. Những điều này sẽ làm nhu cầu để trái phiếu doanh nghiệp nước ta phục hồi, tạo điều kiện hoàn thành việc phát hành với tổng lượng vốn 56.000 tỷ đồng của Chính phủ thực hiện thành công./..

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực