Ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động Ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức

Thứ ba, 20/05/2014 21:58

(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của ngành Ngân hàng, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành từ nhiều năm nay cũng đã được chú trọng. Bên cạnh những bước tiến vượt bậc thì việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động Ngân hàng vẫn gặp không ít khó khăn thách thức.

 

 Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)


Những bước tiến vượt bậc

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thanh toán là lĩnh vực được ngành Ngân hàng quan tâm, đầu tư từ rất sớm, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế. Việc tăng nhanh tốc độ thanh toán cũng đồng nghĩa với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của xã hội, gia tăng vòng quay của đồng tiền và tăng cường trao đổi thương mại. Đến nay, Hệ thống thanh toán quốc gia mà xương sống là Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng do NHNN vận hành, cùng với các hệ thống thanh toán nội bộ của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã hình thành nên một mạng lưới thanh toán điện tử phủ khắp toàn quốc, đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh, an toàn và tin cậy cho nền kinh tế.

Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, là phương tiện thực thi hiệu quả các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và là yếu tố quan trọng giúp cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng và các hệ thống quyết toán vận hành trôi chảy và hiệu quả. Nếu như trước năm 1993, hoạt động thanh toán liên ngân hàng thực hiện qua bưu điện mất từ 10-15 ngày/1 giao dịch thì đến cuối những năm 1990 thông qua việc việc áp dụng công nghệ tin học, thời gian thanh toán liên ngân hàng rút xuống còn từ 2 - 3 ngày. Từ năm 2003 đến nay, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), dự án Hiện đại hoá Ngân hàng và Hệ thống thanh toán đã hoàn thành và thiết lập được hạ tầng thanh toán quốc gia hiện đại, mà hạt nhân là Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTLNH), đã tạo điều kiện cho các ngân hàng tập trung nguồn vốn trôi nổi, cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trực tuyến thuận tiện, an toàn, hiệu quả trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời gian thực hiện thanh toán giảm xuống chỉ còn 10 giây cho một thanh toán bất kỳ trên toàn quốc. Hệ thống TTLNH trung bình xử lý 130.000 giao dịch/ngày với số tiền tương ứng 150.000 tỷ đồng. Trong ngày cao điểm hệ thống xử lý hơn 362.000 giao dịch/ngày với số tiền tương ứng 304.600 tỷ đồng. Doanh số thanh toán của Hệ thống này hàng năm đạt trên 10 lần GDP của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong những năm qua ngành Ngân hàng đã rất quan tâm, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư, đặc biệt 5 năm trở lại đây dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam đã phát triển rất mạnh cả về số lượng máy giao dịch tự động (ATM), các điểm chấp nhận thẻ (POS) và số lượng thẻ đã phát hành. ATM, POS đã được kết nối liên thông trong toàn hệ thống ngân hàng.

NHNN cũng cho biết, phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến là xu hướng tất yếu và mang tính khách quan, đem lại lợi ích rất lớn cho khách hàng, ngân hàng và cả nền kinh tế. Bên cạnh kênh giao dịch truyền thống tại các trụ sở ngân hàng, với sự phát triển không ngừng của lĩnh vực CNTT, các ngân hàng đã phát triển và mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại và cho ra đời nhiều sản phẩm dịch vụ mới như Mobile banking, Internet banking, mPayment, SMS Banking, Ví điện tử….. giúp khách hàng có thể thực hiện giao dịch với ngân hàng thông qua mạng di động, mạng Interrnet vào mọi lúc, mọi nơi, mà không cần phải đến trụ sở ngân hàng như trước đây. Công nghệ ngân hàng phát triển, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được mở rộng đã góp phần minh bạch hóa các giao dịch kinh tế, giúp tiết kiệm nguồn lực và chi phí trong việc in, đúc, vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền mặt.

Hệ thống ngân hàng lõi (Core banking) là sản phẩm cơ bản của các ngân hàng tiên tiến trên thế giới đã được ứng dụng phổ biến ở các ngân hàng Việt Nam. Thông qua hệ thống ngân hàng lõi, khách hàng có thể tiếp cận với các các sản phẩm, tiện ích ngân hàng ở bất cứ điểm giao dịch nào trong và ngoài hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, ứng dụng Hệ thống ngân hàng lõi còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách, đổi mới về thể chế, tăng hiệu quả điều hành, quản trị nội bộ, quản trị rủi ro và cắt giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng.

Ngoài ra, hệ thống thông tin phục vụ quản trị, điều hành của ngành Ngân hàng trong thời gian qua cũng được đánh giá là không ngừng được cải thiện đã cung cấp, xử lý kịp thời các thông tin cần thiết, hỗ trợ ra quyết định. Số liệu hoạt động của toàn hệ thống Ngân hàng được thu thập, phân tích hàng ngày, là cơ sở cho việc tăng cường hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ, năng lực thanh tra, giám sát của NHNN và điều hành nội bộ của mỗi TCTD.

Vẫn còn nhiều khó khăn thách thức

Theo NHNN, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát triển ứng dụng CNTT trong ngành Ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, do những khó khăn nội tại của một nền kinh tế chuyển đổi, việc áp dụng các chuẩn quốc tế trong việc quản trị ngân hàng còn chưa được đồng bộ như: chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực quản trị rủi ro của uỷ ban (Basel)... dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ theo chuẩn mực quốc tế trong quản trị ngân hàng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, môi trường chính sách kinh tế tại Việt Nam còn chưa đồng bộ và do hạn chế về nguồn lực, việc ứng dụng công nghệ trong ngành Ngân hàng chưa mang tính tổng thể toàn ngành, còn nhiều ứng dụng CNTT đơn lẻ, phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ cụ thể của từng ngân hàng. Do vậy, hạn chế trong việc chuẩn hóa, chia sẻ, dùng chung hạ tầng kỹ thuật trong toàn ngành.

Ngoài ra, các dịch vụ ngân hàng đang cung cấp hiện nay, dù đã được đa dạng hoá nhưng chủ yếu vẫn là các sản phẩm truyền thống. Các dịch vụ ngân hàng hiện đại chưa phát triển rộng hoặc phát triển chưa đồng bộ. Rất nhiều dịch vụ phát triển chưa xứng với tiềm năng, đặc biệt là các dịch vụ bán lẻ, tư vấn và hỗ trợ tài chính, trung gian tiền tệ, trao đổi công cụ tài chính...

Để khắc phục những khó khăn trên, theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học NHNN cho biết, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để khắc phục và hạn chế những khó khăn trên cũng như ứng dụng mạnh mẽ hiệu quả hơn nữa CNTT trong hoạt động ngân hàng. Một trong những biện pháp là nâng cao nhận thức của người dân và xã hội đối với các ứng dụng CNTT trong ngân hàng cũng như tiện ích của các dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó, hoàn thiện môi trường pháp lý về CNTT.

Ngân hàng là một ngành đòi hỏi chỉ số an toàn được đặt lên hàng đầu nên các tiêu chuẩn CNTT vào ngân hàng bên cạnh việc ứng dụng nhanh với chi phí rẻ thì việc đảm bảo an toàn rất quan trọng. Việc ban hành các khung pháp lý cho việc ứng dụng CNTT có thể bao quát được toàn bộ vòng đời của hệ thống thông tin từ khi xây dựng đề án cho đến khi hệ thống được thanh lý an toàn.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về CNTT, ban hành các văn bản quy phạm điều chỉnh các vấn đề nảy sinh trong quá trình ứng dụng CNTT, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời các hoạt động chưa tuân thủ, kiểm tra theo định hướng rủi ro…

Ngoài ra, cần phát triển nguồn lực CNTT, nguồn nhân lực công nghệ cao trong ngành ngân hàng, tổ chức các chương trình hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực và trong bản thân từng dự án. Tổ chức đào tạo theo chiều rộng, đào tạo theo hệ thống trường và đào tạo theo hình thức trực tuyến đảm bảo tốc độ nhanh và phạm vi rộng nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai nhanh các hoạt động ứng dụng CNTT trong phát triển ngân hàng./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực