Doanh nghiệp tự nguyện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thứ ba, 07/03/2017 20:48
(ĐCSVN) - Ngày 7/3 tại Hà Nội, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức Hội thảo giới thiệu về Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và mô hình ESCO tại Việt Nam.

Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự (Ảnh: BTC)

Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (CPEE) được Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2012 - 2017 với mục đích tăng cường năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong các ngành công nghiệp chủ chốt, qua đó nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm phát thải nhà kính. Chương trình đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 360,4 nghìn TOE (hệ số chuyển đổi năng lượng) và giảm phát thải khí nhà kính đạt 1,25 triệu iCO2 vào năm thứ 5.

Trong giai đoạn thí điểm chương trình đã có 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Sau kiểm toán, Ban Tổ chức Chương trình đã lựa chọn 7 doanh nghiệp tiên phong tiêu biểu và ký kết Thỏa thuận tự nguyện thí điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với ổng mức đầu tư cam kết ước tính khoảng 25,1 tỷ đồng. 

Đến thời điểm hiện nay, các công ty đang thực hiện những cam kết đã ký với Tổng Cục năng lượng, chẳng hạn như công ty Richoh đã thực hiện thay thế 550 bóng đèn Led Tube thay cho bóng đèn HQ T8/T10 ước tính số tiền tiết kiệm được khoảng 46.730 kWh điện/năm. Sử dụng điều hòa hiệu suất cao VRV thay cho 4 máy điều hòa Trane, ước tính số tiền tiết kiệm được là 114.510 kWh điện/ năm. Hay Công ty Dệt kim Đông Xuân đã thay thế 5 máy nén khí Piston cũ 7.5kW/máy bằng 1 MNK 37 kW có biến tần. Thay lò dầu tải nhiệt đốt dầu FO bằng lò dầu tải nhiệt đốt nhiên liệu giá rẻ. Ước tính số tiền tiết kiệm được là 60.666 kWh điện và 73.873kg Dầu FO. 

Để thực hiện thành công việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vấn đề về kỹ thuật và tài chính là 02 yếu tố then chốt. Đây được coi là những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi triển khai. Mô hình ESCO ra đời đã giải quyết được vấn đề này. ESCO cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng hiệu quả, là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với tổ chức ngân hàng và các doanh nghiệp – người triển khai thực hiện các giải pháp. 

Mô hình ESCO được các nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Thống kê về cơ cấu tiêu thụ năng lượng trong năm 2013 cho thấy: điện sử dụng là 27%, dầu 40,5%, khí 3,9%, than 28,6%. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn. Theo khảo sát cho thấy, xi măng là ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn nhất, khoảng 50%. Trung bình, nguồn năng lượng có thể tiết kiệm trong lĩnh vực công nghiệp là trên 20%. Xây dựng, dân dụng, giao thông vận tải từ 20 - 25%. Sinh hoạt, dịch vụ là 15 - 20%. 

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành quy định bắt buộc và được luật hóa tại Việt Nam. ESCO thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và đổi mới công nghệ. Bằng việc áp dụng mô hình, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ mới với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nó còn giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia các Chương trình/Dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

 

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực