EVN đã triển khai nhiều giải pháp để tăng năng suất lao động

Thứ ba, 12/12/2017 10:16
(ĐCSVN) - Sau gần 2 năm thực hiện Đề án nâng cao năng suất lao động,Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng. Trả lời PV Tạp chí Điện lực, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng năng suất lao động.

Ông Đinh Quang Tri

PV: Việc triển khai Đề án Nâng cao năng suất lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2016-2020 đã có những tác động mạnh đến các đơn vị cũng như CBCNV và người lao động trong Tập đoàn. Ông có thể cho biết rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án này? 

Ông Đinh Quang Tri: Đề án Nâng cao năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 là một phần của Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020 của Tập đoàn. Theo đó, Đề án đã xác lập các mục tiêu về hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động phải đạt được đến năm 2020, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu và phù hợp với tiến trình tái cơ cấu ngành Điện. Đây là một đề án lớn, có vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn này và những năm tiếp theo. Đó là, xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu quả, bền vững, giữ vai trò nòng cốt, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng; làm cơ sở để ngành công nghiệp Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, có đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả. 

PV: Sau gần 2 năm triển khai, Đề án đã thu được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án do Chủ tịch HĐTV EVN làm Trưởng ban, phân công các phòng, ban chức năng chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và tham mưu chỉ đạo, đồng thời giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thành viên, trong đó có chỉ tiêu về năng suất lao động. Tập đoàn đã tiến hành sửa đổi các quy chế, quy định liên quan đến quản lý lao động, hoàn thiện khâu quản lý và sử dụng lao động hợp lý, gắn sử dụng lao động với hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị. Đồng thời tiến hành tái cơ cấu các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, bố trí, sắp xếp hợp lý lao động. Năm 2017, Tập đoàn đang thực hiện chủ đề Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, với mục tiêu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động.

Tập đoàn đã rà soát mô hình tổ chức sản xuất, sửa đổi, bổ sung định mức lao động cho các khâu trong dây chuyền SXKD điện, tăng cường quản lý lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động có tính đến việc ứng dụng KHCN. Trên cơ sở đó, tiến hành đổi mới mô hình tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa cao, tách khâu dịch vụ sửa chữa với khâu quản lý vận hành tại các Tổng công ty. Định mức lao động trong SXKD điện cũng được rà soát, sửa đổi và tăng từ 15 - 50% so với định mức trước đây. Một số công việc giản đơn không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, được thuê dịch vụ bên ngoài. Về năng suất lao động, các đơn vị thành viên đã đạt được các chỉ tiêu về năng suất lao động hàng năm theo yêu cầu của Đề án. Năng suất lao động thực hiện năm 2016 đạt 1,76 triệu kWh điện thương phẩm/lao động SXKD điện, tăng 12,6% so với thực hiện năm 2015. 

PV: Ông có thể cho biết, trong quá trình triển khai Đề án, Tập đoàn đã gặp phải những khó khăn vướng mắc gì và các giải pháp khắc phục?

Ông Đinh Quang Tri: Trong quá trình triển khai Đề án, cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, quản lý và sử dụng lao động. Cụ thể, số lượng lao động tính trên cùng một đơn vị sản phẩm vẫn còn cao so với Điện lực các nước trong khu vực. Nguyên nhân là, các nước trong khu vực thường sử dụng phổ biến dịch vụ thuê lao động ngoài. Ngoài ra, một số thiết bị, công nghệ của các nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp, công tơ đo đếm của Việt Nam... được đầu tư từ trước năm 1990, đến nay đã lạc hậu, trình độ tự động hóa chưa cao dẫn đến hao phí lao động nhiều. Việc quản lý lao động, tuyển dụng lao động trước đây chưa chặt chẽ, định mức lao động chưa sát, còn tồn tại lực lượng lao động phổ thông không có chuyên môn, tay nghề. Một số lao động do tuổi cao, sức yếu không đảm bảo làm việc trên cao, nhưng không đủ trình độ để bố trí việc khác. Đứng trước các thách thức, khó khăn trên, Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với mục tiêu  từng bước nâng cao năng suất lao động. Cụ thể:

- Đổi mới cơ chế quản lý lao động, sửa đổi các quy chế, quy định liên quan đến quản lý lao động nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng lao động hợp lý.

- Sắp xếp, bố trí lại lao động trong các khâu thuộc dây chuyền SXKD điện gắn liền với đào tạo lại số lao động dôi dư; sửa đổi và xây dựng mô hình tổ chức, tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ và định mức lao động tiên tiến; kiểm soát nghiêm việc tuyển dụng lao động của từng đơn vị, sử dụng hợp lý lao động hiện có, mở rộng hình thức thuê lao động ngoài cho các công việc phụ trợ.

- Thực hiện luân chuyển cán bộ, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc; tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thường xuyên có hệ số dự phòng về lao động, tránh trường hợp thiếu hụt lao động khi có người nghỉ việc.

- Xây dựng chế độ đãi ngộ cho người lao động gắn với kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, năng suất lao động cũng như thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh; trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện AT-BHLĐ cho người lao động.

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia kỹ thuật và công nhân lành nghề, tạo điều kiện phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đưa đội ngũ nhân lực chất lượng cao trở thành đầu tàu, kéo năng suất lao động trong Tập đoàn vượt lên.  

PV: Một trong những giải pháp nâng cao năng suất lao động là đổi mới cơ chế tiền lương, đồng thời tích cực đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề cho CBCNV và người lao động. Tập đoàn đã thực hiện giải pháp này như thế nào, thưa ông? 

Ông Đinh Quang Tri: Đổi mới cơ chế tiền lương, đào tạo nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng năng suất lao động. Tập đoàn đã tiến hành xây dựng và triển khai các giải pháp về tiền lương và đào tạo tay nghề cho người lao động. Cụ thể:

Xây dựng cơ chế trả lương cho người lao động một cách hợp lý, với mục tiêu, tiền lương, thu nhập là công cụ quản lý lao động hiệu quả và đòn bẩy tăng năng suất lao động. Từ năm 2015, EVN đã xây dựng cơ chế tiền lương đối với người lao động; tiền lương, thù lao đối với người quản lý các đơn vị gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu tối ưu hóa chi phí (TUHCP). Các đơn vị trong EVN xây dựng quy chế trả lương theo vị trí chức danh công việc, gắn tiền lương với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và mức độ đóng góp của người lao động đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch; nghiên cứu cơ chế trả lương và chế độ đãi ngộ phù hợp đối với lực lượng lao động chất lượng cao, từ đó, thu hút và xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. 

Về đào tạo, Tập đoàn đã đề ra chỉ tiêu mỗi CBCNV ít nhất được đào tạo 1 lần trong năm. Chương trình đào tạo cũng đưa ra định hướng, đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyên sâu trong các lĩnh vực kỹ thuật, từng bước làm chủ công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác cung cấp thiết bị của nước ngoài, giảm chi phí thuê chuyên gia. Các chương trình đào tạo cho khâu chuẩn bị sản xuất được tổ chức bài bản, chất lượng, đảm bảo nhân lực đủ năng lực tiếp nhận các công trình điện có công nghệ tiên tiến, giảm sự cố trong vận hành và đảm bảo hiệu suất làm việc cao. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng đưa công nghệ thông tin vào đào tạo (E-learning) để CBCNV có thể tiếp cận các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với công việc mọi lúc, mọi nơi, nâng cao chất lượng xử lý công việc của CBCNV. 

PV: Hệ thống KPI do EVN đang áp dụng có thể trở thành công cụ quản trị, là thước đo chính xác năng suất lao động không, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Để đạt được chỉ tiêu về năng suất lao động trong Đề án, Tập đoàn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng và triển khai hệ thống chỉ số đánh giá thực hiện công việc (Key Performance Indicator – KPI) cho từng vị trí chức danh công việc. Đây là một công cụ quản trị doanh nghiệp hiện đại đã được nhiều công ty đa quốc gia sử dụng. Việc triển khai KPI giúp lãnh đạo Tập đoàn cụ thể hóa chiến lược thành các mục tiêu quản lý và chương trình hành động cụ thể cho từng đơn vị thành viên, từng bộ phận, từng nhân viên, giúp các đơn vị có cái nhìn tổng thể về hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

 KPI cũng giúp Tập đoàn và các đơn vị đánh giá một cách có hệ thống, minh bạch, rõ ràng, cụ thể và công bằng hơn hiệu quả công việc và năng lực của mỗi nhân viên. Việc xây dựng KPI đang được Tập đoàn triển khai rộng rãi đối với các đơn vị thành viên cũng như đối với Cơ quan Tập đoàn, tiến tới sẽ gắn việc đánh giá hiệu quả công việc qua hệ thống KPIs với việc trả lương theo 3P (Pay for Position – Trả lương theo vị trí; Pay for Person – Trả lương theo cá nhân; Pay for Performance – Trả lương theo hiệu quả, kết quả hoàn thành công việc) trong toàn Tập đoàn.

PV: Để thực hiện Đề án nâng cao năng suất lao động một cách hiệu quả, bền vững, EVN có kiến nghị gì với Chính phủ và các bộ, ban, ngành?

Ông Đinh Quang Tri: Trong quá trình thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016 – 2020, Tập đoàn có một số kiến nghị về chế độ chính sách tiền lương và quản lý lao động.

Cơ chế quản lý lao động: Khi Tập đoàn tiến hành thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, rà soát định biên lao động cũng như tổ chức thuê ngoài những công việc giản đơn đã phát sinh nhiều lao động dôi dư có trình độ chuyên môn thấp, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc. Để có cơ chế khuyến khích lực lượng lao động trên chấm dứt hợp đồng, Tập đoàn đề xuất, ngoài những chính sách hỗ trợ lao động nghỉ việc của Nhà nước, Tập đoàn sẽ có thêm cơ chế đặc thù trong việc chi trả, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm.

Cơ chế tiền lương: Hiện nay, giá bán điện do Nhà nước điều hành và quyết định, đảm bảo ổn định giá cả thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, khi các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá,… biến động theo giá thị trường, sẽ tác động trực tiếp đến tình hình cân đối tài chính hàng năm của Tập đoàn. Ngoài ra, kết quả hoạt động SXKD điện còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu... Vì vậy, chỉ tiêu lợi nhuận của Tập đoàn phụ thuộc rất lớn vào giá điện được Chính phủ, Liên Bộ Công Thương - Tài chính phê duyệt. Trên cơ sở chỉ tiêu lợi nhuận của toàn Tập đoàn được phê duyệt trong phương án giá điện, EVN điều hành (phân bổ) chỉ tiêu lợi nhuận cho đơn vị. Do đó, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo tiền lương của người lao động và người quản lý, xét về dài hạn là vấn đề khó khăn đối với các đơn vị thuộc EVN. Vì vậy, để có cơ chế tiền lương khuyến khích người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, Tập đoàn đề nghị được xây dựng cơ chế tiền lương đặc thù trình các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt.

PV: Xin cảm ơn ông!

VM (Theo EVN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực