EVN hướng đến top 3 khu vực Đông Nam Á về giảm tỉ lệ tổn thất điện năng

Thứ năm, 20/04/2017 09:11
Năm 2016, hệ thống điện quốc gia phải truyền tải một sản lượng điện lớn từ Bắc vào Nam, gây tổn thất điện năng (TTĐN) cao. EVN và các đơn vị thành viên đã triển khai những giải pháp cụ thể gì để giảm tỉ lệ tổn thất điện năng theo chỉ đạo của Chính phủ?

Các công ty điện lực đã có nhiều nỗ lực giảm TTĐN năm 2016.

Lưới điện phân phối hỗ trợ lưới điện truyền tải

Những năm qua, EVN đã thực hiện rất hiệu quả chương trình giảm TTĐN. Năm 2016, EVN gặp nhiều khó khăn, khi nguồn điện chưa được cân bằng giữa các miền, lưới điện kéo dài từ miền Bắc vào miền Nam, phụ tải phân bố không đều, việc đầu tư còn hạn chế... Cùng với đó, EVN tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với khối lượng lớn, hệ thống điện cũ nát, xuống cấp, không đảm bảo an toàn... 

Ông Lê Việt Hùng – Phó Trưởng ban Kỹ thuật – Sản xuất (EVN) cho biết: “Trong năm 2016, có những lúc tưởng chừng EVN không thể hoàn thành được mục tiêu giảm TTĐN khi hệ thống điện phải truyền tải một sản lượng lớn lên tới trên 15,8 tỷ kWh vào miền Nam (tương đương 18% nhu cầu điện của miền Nam), đặc biệt trong những tháng mùa khô. Chính điều này đã làm cho TTĐN của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lên tới 2,36%, nhưng EVN chấp nhận truyền tải cao trên đường dây 500 kV Bắc – Nam để khai thác hiệu quả nguồn điện, hạn chế huy động nguồn điện giá thành cao khu vực miền Nam. Như vậy, hiệu quả chung trên toàn hệ thống sẽ cao hơn, kinh tế hơn”. 

Tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải cao, vì vậy, để hoàn thành được mục tiêu giảm TTĐN đề ra, EVN xác định, phải tập trung chỉ đạo các tổng công ty điện lực tăng cường các biện pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh, đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư cải tạo lưới điện. 

“Chính các giải pháp đồng bộ của các tổng công ty điện lực đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng năm 2016 của Tập đoàn xuống 7,57%” - ông Lê Việt Hùng cho biết.

Top 3 khu vực Đông Nam Á - liệu có đạt được?

Theo ông Hùng, hiện nay tỷ lệ TTĐN của Việt Nam đang ở nhóm các nước trung bình khá trong khu vực Đông Nam Á và mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ TTĐN của Việt Nam chỉ còn 6,5%. 

“Nhìn vào con số trên có thể cảm thấy nhỏ, nhưng để đạt được không hề đơn giản. Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ tổ chức đến quản lý, kỹ thuật, vận hành, quản trị kinh doanh... Nếu đạt được mục tiêu TTĐN không cao hơn 6,5% vào năm 2020, Việt Nam chắc chắn lọt top 3 nước có tỷ lệ TTĐN thấp nhất khu vực Đông Nam Á”, ông Hùng cho biết. 

Tuy nhiên, muốn giảm tổn thất điện năng nói chung và trên lưới điện phân phối nói riêng, quan trọng nhất chính là đầu tư xây dựng công trình lưới điện.

“Qua thực tế triển khai công tác giảm TTĐN, cho thấy, khi đã thực hiện tốt các biện pháp quản lý, kết quả giảm TTĐN sẽ phụ thuộc nhiều vào đầu tư cải tạo lưới điện. Hiện nay, lưới điện vẫn còn nhiều khu vực mang tải cao, hoặc thiết bị vận hành lâu năm chưa có điều kiện thay thế vẫn phải tận dụng vận hành. Lưới điện chưa đáp ứng dự phòng theo tiêu chí N-1 là các nguyên nhân kỹ thuật ảnh hưởng đến giảm TTĐN. Bên cạnh đó trong quá trình đầu tư, phát triển hệ thống điện, lưới điện cũng còn có khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình”, ông Lê Việt Hùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, GS, Viện sĩ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, để giảm TTĐN, EVN và các đơn vị đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các giải pháp. Bên cạnh việc tăng cường quản lý, vận hành, giải pháp đầu tư rất quan trọng. Để TTĐN đạt mức 6,5% năm 2020 ngang bằng với một số nước phát triển hiện nay, Việt Nam cần đầu tư hệ thống điện đủ mạnh, có độ tin cậy cao, và hiện đại tương đương các nước phát triển. Việc ứng dụng công nghệ mới như công tơ điện tử, đo ghi chỉ số công tơ từ xa có độ chính xác cao hơn, sử dụng các máy biến áp Amorphous, thiết bị công nghệ mới có tổn hao điện năng thấp hơn sẽ hỗ trợ công tác giảm TTĐN trên lưới điện phân phối.

Chính vì mục tiêu này, ngay trong năm 2017, EVN phấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành 222 công trình 110 kV và hàng nghìn công trình lưới điện có điện áp thấp hơn; đảm bảo vận hành an toàn, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. 

“Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư các công trình nguồn, lưới điện năm 2017. Trong đó lưu ý Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các tổng công ty điện lực cần tăng cường phối hợp, định kỳ giao ban, cùng nhau giải quyết khó khăn. Các công trình phải đảm bảo tiến độ, đáp ứng yêu cầu phụ tải, đảm bảo chất lượng, đồng bộ giữa các cấp điện áp và đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Lê Việt Hùng cho biết. 

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực