EVN kiến nghị nhiều nội dung để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng

Thứ năm, 18/05/2017 14:46
(ĐCSVN) - Ngày 17/5/2017, tạiTrung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 . Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN đã có báo cáo tại Hội nghị về tình hình cung ứng điện, cũng như những kiến nghị của Tập đoàn gửi tới các Bộ, ngành để tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam.


Đông đảo doanh nghiệp đã có mặt tại Hội nghị để lắng nghe những cam kết của Chính phủ 
trong hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới (Ảnh:Kim Sơn)


Theo đó, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết: EVN luôn xác định công tác dịch vụ khách hàng là khâu then chốt, quyết định việc phát triển theo hướng bền vững của Tập đoàn. Những năm vừa qua, EVN đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác này, chuyển từ việc cung cấp điện sang cung cấp các dịch vụ về điện theo hướng thị trường, với chất lượng ngày càng được nâng cao.

 Mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện đã tăng dần qua các năm: Từ 6,45/10 điểm vào năm 2013 đến 7,69 điểm vào năm 2016. Cũng trong giai đoạn 2013 - 2016, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có nhiều thay đổi đáng kể: Số ngày giảm từ 115 ngày xuống còn 46 ngày, trong đó số ngày của điện lực đã giảm 49 ngày (từ 60 ngày xuống 11 ngày); số thủ tục giảm từ 6 xuống còn 5 thủ tục. Những cải thiện này góp phần giúp vị trí của Việt Nam tăng 60 bậc trên bảng xếp hạng (từ 156 lên 96).

Để thực hiện được mục tiêu cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương, nhằm giảm thủ tục xuống chỉ còn 4 thủ tục; thời gian thực hiện dưới 35 ngày, đến năm 2020 chỉ còn dưới 30 ngày. 

 EVN kiến nghị các bộ ngành như sau:

 Đối với Bộ Giao thông - Vận tải: Đề nghị sửa đổi Điều 13, 14 của Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 theo hướng gộp thủ tục “Xin chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” và thủ tục "Cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" thành 1 thủ tục với thời gian là 7 ngày và xem xét theo hướng tiếp tục giảm dần số ngày.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, xem xét để quy định việc không áp dụng thủ tục “Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường” đối với các công trình điện trung áp do thực tế các công trình này không làm phát sinh các vấn đề về ô nhiễm môi trường.

 Đối với Bộ Công Thương xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 theo hướng bổ sung quy trình thực hiện các thủ tục về tiếp cận điện năng bảo đảm liên thông giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết thủ tục tiếp cận điện năng đáp ứng các tiêu chí: minh bạch, thống nhất về thủ tục, thời gian thực hiện và trách nhiệm giải quyết của mỗi cơ quan; thực hiện cơ chế “1 cửa liên thông” giữa điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước để tổ chức thực hiện đồng thời các công việc liên quan đến cấp phép với mục tiêu tổng thời gian giải quyết của ngành Điện và các cơ quan nhà nước không quá 10 ngày và giảm 1 thủ tục. Tổ chức thực hiện thí điểm áp dụng quy trình liên thông này tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017 và chủ trì tổ chức các đoàn công tác của Bộ làm việc với UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Thông tư 24/2016/TT-BCT và Thông tư số 39/2015/TT-BCT để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng. 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực