Hội họa - cuộc thưởng ngoạn của trái tim!

Thứ hai, 12/11/2018 17:31
(ĐCSVN) - Hội họa là một phạm trù nghệ thuật được cảm nhận từ trái tim (bên cạnh đồ họa và điêu khắc). Chúng ta có thể nói một cách đơn giản hơn, hội họa là sự xắp xếp của những bố cục, đường nét, kết cấu, màu sắc và được định hình qua từng nét vẽ. Do đó, hội họa luôn mang đến cho ta cái nhìn chân thật nhất.

Cũng vì vậy mà nhìn tranh có thể thấy đươc cả một câu chuyện dài muốn kể, cũng như trường phái của người họa sĩ đó. Để cảm nhận được ý, tình trong hội họa có lẻ chúng ta sẽ phải đứng ngắm thật lâu để hiểu và đánh giá được một bức họa đẹp là như thế nào. Ba thể loại hội họa mà chúng ta có thể thường thấy là chân dung, phong cảnh và tỉnh vật.

Các học viên TED SAIGON say sưa trải nghiệm với hội họa. 

Đối với nhiều người, hội họa không chỉ là một khái niệm quen thuộc mà còn là sở thích, là niềm đam mê. Tuy nhiên, ít ai tìm hiểu về khái niệm "hội họa" một cách thật cặn kẽ.

Hội họa là gì? Các thành phần của hội họa?


Hội họa là một phạm trù thuộc ngành mỹ thuật (bên cạnh đồ họa nghệ thuật và điêu khắc). Hiểu một cách đơn giản, hội họa là vẽ tranh. Đó là sự sắp xếp (bố cục) các hình khối, đường nét, màu sắc, kết cấu vv...trên bề mặt hai chiều (giấy hoặc vải) để tạo ra một hình ảnh mang tính thẩm mỹ sử dụng cọ bút và màu vẽ. Người thực hiện công việc này là họa sĩ; một tác phẩm hội họa/tranh vẽ chủ yếu bày tỏ ý tưởng, cảm xúc, thị yếu về cái đẹp dựa trên kĩ thuật vẽ tranh của họa sĩ. Ba thể loại hội họa thường thấy là chân dung, phong cảnh và tĩnh vật. 

1. Đường nét gồm mọi thứ từ phác thảo cơ bản đến các đường, các cạnh trên sắc thái của đối tượng vẽ cùng màu sắc. Đường nét giúp hoạch định và sửa chữa, phân biệt  mối quan hệ giữa các thành phần và các vùng khác nhau trên bề mặt tranh.  

 2. Hình dạng và khối giúp phân biệt sự khác nhau về vùng màu sắc, sắc thái và kết cấu của bất kỳ hình ảnh cụ thể nào đó trong tác phẩm hội họa.  

3. Mắt người có thể xác định số lượng màu sắc lên đến 10 triệu màu, với một tác phẩm hội họa, màu sắc đóng nhiều vai trò quan trọng. Màu có thể được sử dụng như một hình ảnh tượng trưng, ví dụ, người Ai Cập cổ đại sử dụng các màu khác nhau để phân biệt các vị thần hay Pharaoh; cũng là để phân biệt giữa đàn ông và đàn bà. Màu sắc để truyền tải thông điệp về đạo đức, tâm trạng hoặc cảm xúc và thể hiện tầm nhìn (các sự vật ở xa thường có màu sắc nhạt hơn...). Màu sắc còn được dùng để mô tả những tác động của ánh sáng, nhiều họa sĩ vĩ đại như Caravaggio và Rembrandt...khai thác sự tương phản giữa màu sắc để thể hiện ánh sáng mạnh mẽ trong tranh ấn tượng.

 Tương phản màu sắc trong tranh của Caravaggio 

4. Yếu tố thể tích và không gian của hình ảnh có liên quan tới cách họa sĩ tạo ra chiều sâu và xử lí những mối quan hệ không gian của vật thể thực vào bên trong mặt phẳng tranh. Bức tranh của người Ai Cập cổ lấy góc độ, hướng nhìn để thể hiện đặc trưng của hình vẽ, giải thích vì sao phần đầu và chân của nhân vật là góc bán phần còn người là góc chính diện. Các họa sĩ truyền thống làm điều này bằng cách triển khai các nguyên tắc về đường tuyến tính - các khái niệm về điểm hút, cách chia bố cục trong tranh để tạo không gian theo mắt nhìn của con người - như trường phái Florentine Renaissance mà đại diện là Piero della Francesca hay Leonardo da Vinci. Trong khi đó, trường phái Lập thể như Picasso lại thể hiện không gian và khối lượng bằng hiển thị bằng một loạt các hình chồng chéo "ảnh chụp nhanh" - các hình ảnh của đối tượng ở các điểm nhìn khác nhau ghép, chồng lên nhau của các đối tượng, giống như khi ta xem hình ảnh cùng một lúc từ nhiều quan điểm khác nhau. 


Tranh lập thể Picasso

5.Thời gian và chuyển động trong tranh giúp xác định hướng phát triển của câu chuyện đang được kể trong tác phẩm. Đây đồng thời là yếu tố cung cấp trải nghiệm về thời điểm, về tốc độ và phương hướng. 

Tiến trình hội họa là gì? Trường phái hội họa là gì?

Song hành cùng quá trình phát triển văn hóa, lịch sử của con người, hội họa cũng sở hữu một tiến trình đặc trưng. Hội họa trải qua những bước đi đầu tiên với các hình vẽ trên vách hang động của người nguyên thủy, là những hình vẽ sơ khai nhất của con người về thế giới quan. Bằng sức mạnh của trí tưởng tượng, loài người tiến đến thời kì hội họa cổ điển (còn gọi là hội họa giá vẽ, hội họa hàn lâm) với quy chuẩn nghiêm ngặt như: phải vẽ trong xưởng, tranh phải dùng màu vẽ và vẽ trên một bề mặt phẳng, tả chi tiết, đúng các tiêu chí về mặt bố cục, nội dung...Qua nhiều diễn biến lịch sử cùng sự phát triển của khoa học, hội họa phát triển đa dạng và không còn "gò bó" trong những giới hạn của hội họa cổ điển.   

Hội họa phân nhánh qua các "trường phái hội họa". Ở đây, thuật ngữ “trường phái” dùng để chỉ một phong cách mà trong đó phân loại một nhóm các họa sỹ có chung những kỹ thuật vẽ tranh và phương pháp thể hiện. Trong thời gian từ cổ điển đến hiện nay, đã có rất nhiều trường phái hội họa ra đời góp phần làm thay đổi quan điểm về thẩm mỹ của thế giới. 

Dụng cụ cơ bản để vẽ tranh

Tranh vẽ được hình thành nhờ màu vẽ và bề mặt vẽ. Những chất liệu khác nhau lại quyết định đặc điểm và kĩ thuật vẽ tranh riêng biệt. 

Màu vẽ là những chất hay hỗn hợp chất tạo màu có khả năng bám dính trên bề mặt, gồm chất màu được trộn lẫn trong một chất mang. Các tính chất của hai thành phần này như độ nhớt, độ hòa tan, tốc độ bay hơi...quyết định đặc trưng của các loại màu khác nhau.  

Trong lịch sử, các hình vẽ trên hang động của người nguyên thủy được cho là vẽ với màu đỏ hay màu vàng của đất son, hematit, mangan oxit và than. Những bức tường màu cổ tại Dendera, Ai Cập cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn các yếu tố màu sắc sống động như khi được vẽ khoảng 2000 năm trước đây. Người Ai Cập cổ đại trộn màu sắc với một chất keo, gồm có sáu màu sắc chính là trắng, đen, xanh, đỏ, vàng và xanh lá cây. 

Những bức tranh cổ điển thời gian đầu sử dụng lòng trắng trứng cùng với một số chất tạo màu (keo trứng) để làm màu vẽ, sau đó, sơn dầu xuất hiện và được coi là loại màu tốt nhất để thể hiện của hội họa. Cùng lúc đó, đáp ứng cho những mục đích vẽ khác nhau thì màu nước, màu sáp, bút chì, acrylic lần lượt ra đời... Hiện nay, sự tiến bộ của khoa học giúp tạo ra màu hóa học (phối trộn những màu không thể có trong tự nhiên) với sự đa dạng, độ bền tốt hơn nhiều lần so với trước kia.   


Bề mặt vẽ phổ biến nhất của các tác phẩm hội họa là vải toan (canvas). Toan là loại vải sợi cứng, bền được dùng làm buồm, lều, ba lô...được các họa sĩ căng lên khung gỗ để vẽ thay cho các tấm bảng gỗ. Toan là phương tiện hỗ trợ tốt nhất cho sơn dầu. Đôi khi toan được xử lý bề mặt để làm tăng độ bám dính, độ bền của màu. Ngoài toan thì "bề mặt" vẽ tranh cũng có thể là gỗ, đá, vải thường, tường, giấy, da động vật, da người (body painting).../.

(Nguồn: Designs.vn)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực