Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu 14 thành viên vào Hội đồng Nhân quyền

Thứ bảy, 29/10/2016 11:43
(ĐCSVN) – Ngày 28/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 14 thành viên vào Hội đồng Nhân quyền – cơ quan chịu trách nhiệm chính của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.

 

Hội đồng Nhân quyền tại một phiên họp đặc biệt về Syria ở Geneva (Ảnh: UN)

Theo đó, với phần lớn nhất trí trong số 193 quốc gia bầu, Nam Phi, Saudi Arabia, Brazil, Trung Quốc, Croatia, Cuba, Ai Cập, Mỹ, Hungary, Iraq, Nhật Bản, Rwanda, Anh và Tunisia đã được bầu vào Hội đồng nhân quyền trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 1/1/2017.

Những quốc gia không trúng cử vào nhiệm kỳ tới có: Nga, với 112 phiếu; Guatemala – 82 phiếu; Malaysia – 10 phiếu; Fiji – 6 phiếu; Morocco, Pháp, Hy Lạp và Tây Ban Nha – mỗi nước 2 phiếu; và Bulgaria, Canada, Iran, Italy, Israel, Liechtenstein, Mauritius, Sierra Leone, Senegal và Thụy Điển – mỗi nước một phiếu.

Hội đồng Nhân quyền là tổ chức liên chính phủ nằm trong hệ thống của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về việc tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên khắp toàn cầu.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc gồm 47 nước thành viên, trong đó được phân bổ: 13 ghế cho các quốc gia châu Phi và 13 ghế cho các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương, 8 ghế cho các quốc gia châu Mỹ Latin và vùng Caribbean, 7 ghế cho các quốc gia Tây Âu và các quốc gia khác, và 6 ghế cho các quốc gia Đông Âu.

14 quốc gia vừa được bầu ngày 28/10 sẽ tham gia cùng Albania, Đức, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Botswana, Burundi, Congo, Côte d'Ivoire, United Arab Emirates, Ecuador, El Salvador, Ethiopia, Georgia, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Kyrgyzstan, Latvia, Mông Cổ, Nigeria, Panama, Paraguay, Hà Lan, Philippines, Bồ Đào Nha, Qatar, Hàn Quốc, Slovenia, Thụy Sĩ, Togo và Venezuela.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc được thành lập năm 2006, gồm 47 thành viên, trong đó Việt Nam là một thành viên trong nhiệm kỳ 2014 – 2016./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực