Năm 2020: Những tín hiệu lạc quan từ Đông Bắc Á?

Thứ bảy, 18/01/2020 21:47
(ĐCSVN) - Cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều, cải thiện quan hệ Trung-Nhật-Hàn trên nhiều lĩnh vực..., là kết quả được ghi nhận tại Hội nghị thượng đỉnh Thành Đô (Trung Quốc) hồi cuối năm 2019, khiến giới nghiên cứu lạc quan trong dự báo an ninh khu vực Đông Bắc Á năm 2020.
leftcenterrightdel
 Cải thiện quan hệ Trung-Nhật-Hàn trên nhiều lĩnh vực... là kết quả được ghi nhận tại Hội nghị thượng đỉnh Thành Đô (Trung Quốc) hồi cuối năm 2019. Ảnh vov.vn

Từ Hội nghị Thành Đô...

Theo giới quan sát, Hội nghị Thành Đô cùng với các cuộc tiếp xúc song phương của lãnh đạo 3 nước Trung-Nhật-Hàn đã mang đến cơ hội cải thiện các mối quan hệ địa chính trị trong khu vực. Quan hệ 3 nước cũng tạo thêm động lực mới để sớm ký kết thỏa thuận thương mại tự do, khiến hy vọng về sự hợp tác đa phương không chỉ Đông Bắc Á mà cả khu vực CA-TBD.

Mặc dù kết quả Hội nghị Thành Đô còn ở mức khiêm tốn, khi các bên mới chỉ đưa ra tuyên bố về lập trường nguyên tắc, song nó có ý nghĩa không nhỏ đối với quan hệ giữa các nước cũng như đối với tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, nhất là khi quan hệ Mỹ-Triều đang có nguy cơ quay trở lại điểm xuất phát.

Thực tế, sự hợp tác Trung-Nhật-Hàn vẫn tồn tại sự khác biệt lớn so với cơ chế phối hợp Hàn-Mỹ-Nhật, bởi Hàn, Nhật đều là đồng minh của Mỹ. Với cơ chế này khó bề thuyết phục Triều Tiên thay đổi lập trường. Trong khi Bắc Kinh vừa là “người bảo trợ đặc biệt” vừa là “thuyền cứu sinh” đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh nước này đang bị cấm vận.

Theo giới phân tích, trong 3 nước Đông Bắc Á, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể gây ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Vì thế, việc lãnh đạo 3 nước nhất trí hợp tác nhằm đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa được duy trì thông qua đối thoại Mỹ-Triều là thành quả lớn, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần này còn có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Trung-Nhật và Trung-Hàn, bởi ngay trước thềm Hội nghị 3 bên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nhật, ông Abe và Tổng thống Hàn, ông Moon Jae-in. Những dấu hiệu tích cực qua các cuộc gặp có phần làm giảm bớt căng thẳng từ những vấn đề do lịch sử để lại.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại trỗi dậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, hợp tác Trung-Nhật-Hàn đã giúp thúc đẩy hợp tác khu vực, thể hiện quyết tâm của các bên trong bảo vệ chủ nghĩa đa phương, duy trì nền kinh tế thế giới mở có ý nghĩa rất quan trọng.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CA-TBD của Trung Quốc, Lưu Khanh cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc rất coi trọng ngoại thương, đầu tư, và có ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ cao, còn Trung Quốc có quy mô thị trường lớn và có ưu thế trong các lĩnh vực 5G và Internet... nên cấu trúc ngành nghề 3 nước có thể bổ sung cho nhau, khiến tiềm năng và triển vọng hợp tác là rất lớn.

Giáo sư Giang Thụy Bình thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận định: “Việc 3 nền kinh tế lớn của châu Á cùng nhau lên tiếng bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, đồng thời thông qua hành động thiết thực để thúc đẩy tự do hóa, thuận tiện hóa đầu tư, thương mại với các tiêu chuẩn cao hơn, là sự đáp trả hữu hiệu đối với làn sóng chống toàn cầu hóa, trong đó có chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương” là rất có ý nghĩa.

Nhìn lại những dấu mốc quan trọng...

Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn là hội nghị được tổ chức thường niên, trên cơ sở luân phiên giữa 3 nước và bắt đầu từ năm 1999. Tiếp đến là năm 2004, bên lề hội nghị ASEAN+3, lãnh đạo 3 nước quyết định sẽ tổ chức hội nghị cấp cao thường niên, đây là một trong những cơ chế ngoại giao cấp cao quan trọng hàng đầu của khu vực có tác động không nhỏ đến an ninh khu vực Đông Bắc Á.

 Năm 2008, lãnh đạo 3 nước tổ chức hội nghị bên ngoài khuôn khổ ASEAN+3 và đưa hợp tác 3 bên bước vào một giai đoạn mới. Theo đó, Hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần, luân phiên tổ chức tại mỗi nước. Tuy nhiên, do những ứng xử của các bên, khiến hội nghị bị gián đoạn trong nhiều năm.  Bởi những vấn đề như: Lao động “cưỡng bức”, tranh chấp biển đảo và việc Mỹ triển khai THAAD năm 2016...

Hội nghị được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 5/2018 với Tuyên bố chung khẳng định 3 nước sẽ cùng nghiên cứu mô hình hợp tác “Trung-Nhật-Hàn+1”. Tuyên bố này chứng tỏ 3 nước sẽ phát huy ưu thế, cùng mở ra nhiều thị trường hơn để phát triển khu vực và vươn ra bên ngoài.

Trong năm 2019 xuất hiện trở ngại đối với hợp tác Trung-Nhật-Hàn do mâu thuẫn giữa Tokyo và Seoul trong xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao và Hiệp định chia sẻ tình báo quân sự. Tuy nhiên, sóng gió cũng đã qua đi và Hội nghị 3 bên đã được tái tổ chức vào hồi cuối năm ngoái.

Trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn lần này là một sự kiện quan trọng, đánh dấu 20 năm kể từ khi định hình thượng đỉnh 3 bên được triển khai vào năm 1999. Vì thế, Hội nghị Thành Đô đã góp phần “hạ nhiệt” khu vực Đông Bắc Á, nhất là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Và hợp tác là xu hướng chủ đạo

Tại Hội nghị Thành Đô, 3 nhà lãnh đạo đã cùng bàn thảo các vấn đề thuộc quan hệ đối tác 3 bên trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại. Cả ba nhà lãnh đạo đều nhắc tới những yếu tố như tăng cường tin cậy lẫn nhau, nhất trí tiếp tục liên lạc chặt chẽ để tìm giải pháp cho những khác biệt còn tồn đọng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, thông qua hội nghị lần này, 3 nước sẽ tăng cường quan hệ tin cậy về chính trị, bảo đảm an toàn, ổn định khu vực và hòa bình thế giới để cùng đối phó áp lực kinh tế thế giới đang suy giảm. Tổng kim ngạch thương mại của 3 nước với hơn 700 tỷ USD, chiếm 1/6 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Vì thế, việc 3 bên hợp tác sẽ gửi đi tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy giảm.

Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng cho rằng, hội nghị lần này là cơ hội để 3 bên tăng cường liên kết hơn nữa nhằm đối phó với những vấn đề quan trọng của khu vực, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên, các vấn đề chung mang tính quy mô toàn cầu và củng cố trật tự kinh tế thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết của “hợp tác hài hòa” giữa 3 nước nhằm thúc đẩy một “thế giới bền vững”. Theo ông Moon Jae-in, 3 nước là “một cộng đồng gắn kết bằng một vận mệnh chung” và nền kinh tế 3 nước này được kết nối bằng một “chuỗi giá trị”. Ông hy vọng hợp tác kinh tế giữa 3 nước sẽ được tăng cường để có thể cùng phát triển.

Về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên cũng là một chủ đề quan trọng của hội nghị thượng đỉnh 3 nước lần này, bởi quan hệ Mỹ-Triều đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Trong bối cảnh đó, 3 nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn đã tái khẳng định sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại có ý nghĩa rất lớn.

Tại Hội nghị Thành Đô, 3 nước đã nỗ lực thống nhất các tiêu chuẩn thương mại tự do và không chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ. Theo đó, Trung-Nhật-Hàn sẽ đồng nhất quan điểm về vai trò mới của các tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế sau cải cách, chủ yếu là WTO và IMF.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh còn diễn ra Hội nghị Cấp cao Doanh nghiệp Trung-Nhật-Hàn lần thứ 7. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra ý tưởng về một “Cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á” dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Tăng cường (hợp tác thương mại tự do; Quan hệ đối tác trong các ngành công nghiệp 4.0; Và hợp tác vì hòa bình khu vực.

Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn cuối năm 2019 đã tạo tiền đề quan trọng cho việc củng cố và tăng cường hợp tác đa phương, song phương thông qua việc tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị... khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, năm 2020 khu vực Đông Bắc Á có nhiều tín hiệu lạc quan về an ninh là có cơ sở./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực