Người di cư - "liều thuốc thử" tinh thần đoàn kết của châu Âu

Thứ tư, 04/03/2020 19:45
(ĐCSVN) – Trước sức ép từ lời cảnh báo do Thổ Nhĩ Kỳ phát đi vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vừa tỏ rõ tinh thần đoàn kết và khẳng định quyết tâm đưa ra một phương thức ứng phó chung. Người di cư - một vấn đề nhức nhối bấy lâu, nay lại tiếp tục trở thành "liều thuốc thử" tinh thần đoàn kết của châu Âu.
leftcenterrightdel
Người di cư tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp, ngày 2/3/2020. (Ảnh: Xinhua) 

Ngày 3/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đưa ra trong cuộc họp báo tại thị trấn Kastanies thuộc vùng Evros sau chuyến thăm biên giới trên bộ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Cuộc họp báo diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng người di cư đã bùng phát ở khu vực biên giới này sau thông điệp mở cửa biên giới mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra từ thứ 6 tuần trước.

Người di cư – vấn đề nhức nhối bấy lâu nay của châu Âu…

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Michel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ khu đường biên giới, đồng thời khẳng định sự đoàn kết và ủng hộ đối với chính phủ Hy Lạp. Quan chức này nêu rõ, biên giới của Hy Lạp cũng là biên giới châu Âu và những gì Hy Lạp đang làm không chỉ quan trọng đối với quốc gia này mà còn đóng vai trò thiết yếu đối với tương lai của EU.

Về phía bà von der Layen cũng nêu rõ: “Ngày hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để phát đi một thông điệp rất rõ ràng về sự đoàn kết và hỗ trợ của châu Âu dành cho Hy Lạp”. Theo đó, Hy Lạp sẽ nhận được một khoản viện trợ tài chính bổ sung trị giá 700 triệu ơ-rô (tương đương 784 triệu USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng. Cơ quan biên phòng châu Âu (Frontex) cũng đã sẵn sàng triển khai một đơn vị can thiệp nhanh ở khu vực biên giới để hỗ trợ Hy Lạp ứng phó với tình hình.

“Đây là trách nhiệm chung của châu Âu và chúng ta sẽ đối phó với vấn đề theo cách trật tự, với tinh thần đoàn kết, thống nhất và sự quyết tâm. Những ai muốn thử thách sự đoàn kết của châu Âu sẽ phải thất vọng…” – bà von der Layen nói.

Về phía ông Sassoli đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc các nước châu Âu cần đưa ra một cách tiếp cận chung cho vấn đề, sau một quá trình dài cân nhắc kể từ khi phải chứng kiến dòng người di cư hàng loạt đầu tiên băng qua biển Aegean từ 5 năm trước.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Sassoli đã nhấn mạnh tới những nỗ lực tăng cường cơ chế chính sách chung để đối phó với người di cư trong phạm vi khu vực. Bên cạnh đó, quan chức của châu Âu này cũng phát đi thông điệp rõ ràng tới Thổ Nhĩ Kỳ rằng, châu Âu không muốn tiến hành thêm các cuộc đối thoại mà chỉ muốn Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng những thỏa thuận đạt được.

Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic khẳng định không ai mong  muốn cuộc khủng hoảng người tị nạn 2015-2016 tái diễn. Từ đó, nhà lãnh đạo này đã phát đi tiếng nói ủng hộ đối với Hy Lạp và kêu gọi sự quyết tâm để châu Âu có thể đưa ra một biện pháp ứng phó trước điều mà ông cho là “một thách thức mới”.

Trong một thông điệp được đánh giá là “vừa mềm mỏng lại vừa cứng rắn”, ông Plenkovic nói: “Hy Lạp giờ là tấm lá chắn cho đường biên giới bên ngoài của EU…Chúng tôi muốn phát đi thông điệp tới Thổ Nhĩ Kỳ rằng, các mối quan hệ tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU là điều phụ thuộc vào cả đôi bên. Chúng tôi sẽ tìm kiếm một giải pháp chính trị, ngoại giao để xoa dịu vấn đề mà ngày nay chúng tôi đang phải đối mặt”.

… trước thực tế đang ngày càng trở nên cấp bách

leftcenterrightdel
Binh sỹ Hy Lạp tuần tra tại khu vực biên giới, ngày 2/3/2020. (Ảnh: Xinhua) 

Theo số liệu thống kê, đã có hơn 1 triệu người di cư tới Hy Lạp kể từ năm 2015. Họ đến vì những lý do khác nhau, từ chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh liên miên, thoát khỏi nghèo đói và hy vọng vào một hành trình tới “giấc mộng trời Âu”. Tình trạng này chỉ có dấu hiệu được cải thiện cho tới khi các nước đóng cửa biên giới dọc tuyến đường ở khu vực Balkan vào mùa Đông 2016 và việc Thổ Nhĩ Kỳ - EU đạt thỏa thuận ngăn dòng chảy người di cư.

Theo thỏa thuận đã đạt được, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được hỗ trợ tài chính để cung cấp nơi ăn chốn ở cho hàng triệu người tị nạn và người di cư được tiếp nhận. Ngoài ra, EU cũng nhất trí thúc đẩy quá trình xem xét cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này và nới lỏng thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào các nước EU.

Tuy nhiên, cách đây ít lâu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayy Erdogan đã tuyên bố “mở cửa” biên giới cho người tị nạn vào châu Âu, với lý do không thể “chịu tải” nổi dòng người di cư đổ về Thổ Nhĩ Kỳ do cuộc xung đột leo thang ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Đó là tuyên bố về hình thức, còn trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang sử dụng “con bài di cư” để gây sức ép với EU nhằm nhận được sự ủng hộ lớn hơn về vấn đề Syria. Dù chưa biết nước cờ này sẽ đem lại lợi ích gì, song trước mắt thì điều này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu nhiều chỉ trích hơn là ủng hộ. Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem là “một liều thuốc thử” tinh thần đoàn kết của châu Âu khi khiến các bên phải “đứng ngồi không yên” để tìm cách đối phó.

leftcenterrightdel
Dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đổ về châu Âu sau khi Ankara công bố lệnh mở cửa biên giới . (Video: NHK)

Theo số liệu do chính phủ Hy Lạp vừa công bố, hiện đang có hàng chục nghìn người di cư và tị nạn tập trung tại khu vực biên giới phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi chính quyền Ankara phát đi thông điệp sẽ không ngăn cản những người này tiến về phía biên giới châu Âu.

Trước bối cảnh trên, Hy Lạp đã tăng cường cảnh sát và các lực lượng vũ trang tại khu vực biên giới. Đến tối ngày 2/3, các lực lượng này đã ngăn chặn được hơn 24.000 người vượt biên trái phép và bắt giữ 183 người đang cố gắng chạy qua khu vực biên giới.

Trong những ngày qua, chính phủ Hy Lạp đã nhiều lần tuyên bố về việc nước này đang phải đối mặt với “một mối đe dọa an ninh quốc gia”, để từ đó có những động thái tăng cường tuần tra ở khu vực biên giới trên biển, trên bộ, đồng thời yêu cầu sự hỗ trợ từ thời từ phía các nước thành viên khác của EU.

Trong nhiều năm qua, Hy Lạp đã mở rộng cánh cửa và hiện đang tiếp nhận khoảng 100.000 người di cư và tị nạn. Tuy nhiên, ông Mitsotakis tuyên bố, Hy Lạp không thể một mình gánh vác trọng trách bảo vệ đường biên giới châu Âu trước dòng di cư đang đổ về ngày một đông.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp báo, ông Mitsotakis nói: “Hy Lạp mong đợi sự đoàn kết cụ thể từ EU và tôi có thể khẳng định rằng, sự hiện diện của ban lãnh đạo EU tại khu vực biên giới bên ngoài châu Âu đã phát đi tín hiệu rõ ràng tới mọi người. Tuy nhiên, thành thực mà nói thì châu Âu đã không theo kịp nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Tôi hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ là lời thức tỉnh đối với mọi người về trách nhiệm của mình…Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hóc búa ở Syria, song không phải trong tình huống này…Người di cư và người tị nạn không thể được sử dụng như những công cụ hay một quân tốt trong trò chơi địa chính trị”./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực