Nhật Bản “không còn ở trong giai đoạn giảm phát”?

Thứ năm, 07/01/2016 10:16

(ĐCSVN)  -  Đó là lời tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong thông điệp mừng năm mới 2016. Ông Abe còn khẳng định năm 2016 sẽ là năm Nhật Bản “toả sáng trên trường quốc tế và thể hiện vai trò lãnh đạo”, với việc bắt đầu thực hiện các mục tiêu gia tăng GDP từ 4.000 tỷ USD lên 5.000 tỷ USD vào năm 2020; tăng tỷ lệ sinh con từ 1,4% lên 1,8% vào năm 2025, và nhấn mạnh: quốc gia "Mặt trời mọc" này sẽ đối mặt với mọi thách thức và tương lai một cách táo bạo. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn ảnh: AFP/TTXVN)


Những dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế

Theo các số liệu thống kê chính thức của Văn phòng Nội các Nhật Bản thì quý III/2015, GDP của nước này đã tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã giúp cho nền kinh tế Nhật Bản chính thức thoát khỏi nguy cơ suy thoái về mặt kỹ thuật.

Chi tiêu vốn của doanh nghiệp là yếu tố chính dẫn đến việc điều chỉnh số liệu tăng trưởng kinh tế khi tăng 0,6% thay vì giảm 1,3% theo báo cáo sơ bộ. Chính phủ Nhật Bản đang hối thúc các doanh nghiệp có sẵn tiền mặt trong tay tăng chi tiêu vốn khi có lợi nhuận, đặc biệt là của các doanh nghiệp xuất khẩu, cải thiện nhờ đồng yen yếu.

Tuy nhiên, tiêu dùng, vốn đóng góp khoảng 60% GDP của Nhật Bản, tăng 0,4% trong quý III/2015 so với quý trước, trong khi mức tăng trong báo cáo sơ bộ là 0,5%. Trong khi đó, xuất khẩu được điều chỉnh từ tăng 2,6% lên 2,7%, còn mức tăng của nhập khẩu vẫn giữ mức 1,7%.

Ngày 28/8/2015, Chính phủ Nhật Bản đã công bố các chỉ số kinh tế trong tháng 7, theo đó chỉ số việc làm ở mức tốt nhất trong vòng 23 năm, lạm phát đã quay trở về 0% sau 25 tháng tăng mạnh, trong bối cảnh đồng yen yếu và giá dầu đi xuống kéo giá gas, giá điện giảm.

Theo thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, tỷ lệ người thất nghiệp trong tháng 7/2015 đã giảm 3,3% so với tháng 6/2015, tỷ lệ người tìm được việc làm đã tăng lên 1,21 so với mức 1,19 trong tháng 6, có nghĩa là cứ 121 vị trí sẽ có 100 người tìm được việc. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/1992.

Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản lại cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - loại trừ giá thực phẩm tươi sống dễ biến động - trong tháng 7/2015 đã giảm còn 103,4 so với mức cơ bản 100 năm 2010, sau khi tăng 0,1% vào tháng 6/2015.

Chỉ số CPI trên đã duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% mà BOJ đưa ra trong quý II/2015 đến trước năm 2016 nhằm đưa kinh tế nước này thoát ra khỏi giảm phát.

Tuy nhiên, chỉ số CPI trên loại trừ giá thực phẩm giảm và hàng hoá lâu bền tăng khi đồng yen yếu. Giá năng lượng của Nhật Bản cũng giảm 8,7% trong đó giá xăng giảm 15,2% và giá điện giảm 3,8%.

Trong một báo cáo riêng của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chi tiêu bình quân hộ gia đình hàng tháng đã điều chỉnh theo lạm phát trong tháng 7/2015 giảm 0,2% đánh dấu hai tháng giảm mạnh liên tiếp, chứng tỏ tiêu dùng cá nhân vẫn còn yếu.

Trong khi thu nhập từ lương của các hộ gia đình đã tăng 5,4%, đạt mức trung bình 587.156 yen, 4 tháng tăng mạnh liên tiếp. Chi tiêu gia đình là một chỉ số quan trọng của tiêu dùng cá nhân và chiếm 60% GDP Nhật Bản.

Những giải pháp tài chính quyết liệt

Một là, tiếp tục mở rộng QE (chương trình nới lỏng định lượng): Bất chấp những thông tin khả quan, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vẫn chịu sức ép tăng các biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng. Trong một động thái gây bất ngờ, ngày 18/12/2015, BOJ đã quyết định mở rộng quy mô chương trình mua tài sản, nhằm “tiếp sức” cho quá trình phục hồi kinh tế.

Theo thông báo được đưa ra sau cuộc họp của BOJ, ngoài chương trình mua tài sản khoảng 3.000 tỷ yen mỗi năm hiện tại, ngân hàng sẽ xây dựng một chương trình mới nhằm tăng quy mô quỹ mua tài sản thêm khoảng 300 tỷ yen (2,5 tỷ USD) mỗi năm.

Chương trình này dự kiến sẽ được khởi động vào quý II/2016 và được tiến hành song song với chương trình mua tài sản như hiện nay. Trong khi BOJ vẫn có thể duy trì chương trình kích thích để đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Hai là, giữ nguyên lãi suất thấp: Từ năm 2016 trở đi, BOJ cũng sẽ tăng kỳ hạn trái phiếu chính phủ lên 7-12 năm so với kỳ hạn 7-10 năm như hiện nay để hạ lãi suất trong dài hạn. Trong ngắn hạn, BOJ cam kết sẽ giữ nguyên lãi suất và duy trì kế hoạch bơm khoảng 674 tỷ USD vào nền kinh tế.

BOJ đánh giá kinh tế Nhật Bản hồi phục ở tốc độ “trung bình”, bất chấp kim ngạch xuất khẩu và hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do kinh tế các nước mới nổi giảm tốc. Động thái của BOJ nói trên diễn ra ngay sau khi FED chính thức tăng lãi suất 0,25 - 0,50%. Đây là sự tương phản trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ với Nhật Bản và nhiều nền kinh tế lớn khác trong việc điều hành kinh tế vĩ mô thông qua việc sử dụng công cụ lãi suất.

Ba là, gia tăng chi tiêu quốc phòng: Nội các Nhật Bản đã thông qua khoản chi 41,8 tỷ USD cho quốc phòng trong năm tài khóa 2016 - 2017, bắt đầu từ tháng 4/2016. 

Khoản chi trên được phân bổ từ ngân sách quốc gia dự tính cao kỷ lục với 96.700 tỷ yen, sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản để thảo luận và thông qua vào quý I/2016. Ngân sách quốc phòng 2016 cao hơn 1,5% so với mức chi trong năm tài chính 2015, và cũng là mức cao kỷ lục, đánh dấu 4 năm liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng.

Xu hướng này cho thấy Thủ tướng Nhật Bản Abe đang tìm cách xây dựng một lực lượng quân đội mạnh và tích cực hơn trong hợp tác với Mỹ - đồng minh lớn nhất, đồng thời đề phòng khả năng căng thẳng ở biển Hoa Đông leo thang.

Từ hồi tháng 9/2015, ông Abe đã thúc đẩy việc đưa các dự luật an ninh trở thành luật. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với báo giới: “Chúng tôi hy vọng bước tiến mới nhất sẽ đóng góp thêm vào sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản” và các đối tác trong khu vực.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng luật an ninh mới của Nhật Bản đòi hỏi cần có ngân sách lớn hơn trong những năm tới. Và theo giới phân tích đây vẫn nằm trong giải pháp kinh tế là gia tăng chi tiêu chính phủ để kích cầu nền kinh tế nói chung và cải thiện năng lực quốc phòng nói riêng.

Như vậy, đã hơn 3 năm cầm quyền tại Nhật Bản, với quyết sách nổi tiếng “Abenomics”, ông Abe đã đưa nước Nhật thoát khỏi quốc nạn giảm phát đã kéo dài gần 20 năm, và đạt được những thành tích khả quan, khiến nền kinh tế nước này được đánh giá là có tốc độ phục hồi ở mức trung bình.

Vì thế, việc phục hồi với tốc độ từ chậm chạp đến trung bình như hiện nay cũng được coi là thành công lớn của chính sách được gọi là “Abenomics”. Tuy nhiên, việc phục hồi và phát triển của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong năm 2016 và các năm tiếp theo có đạt hiệu quả như quyết tâm của Thủ tướng Abe hay không hiện vẫn còn đang ở phía trước./.

                                                                                                                                                                        Nguyễn Nhâm (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực