35 năm bảo vệ tầng ozone trên toàn cầu

Thứ tư, 16/09/2020 15:01
(ĐCSVN) – Vào ngày 16/9 hằng năm, cộng đồng quốc tế cùng kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone nhằm nêu bật vai trò của tầng ozone cũng như sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để hạn chế các nguy cơ mà hoạt động của con người có thể gây ra cho trái đất.
 Tầng ozone bảo vệ trái đất khỏi hầu hết các tia cực tím có hại của mặt trời. (Ảnh: UN)

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 35 năm Công ước Vienna và 35 năm bảo vệ tầng ozone trên toàn cầu. Sự sống trên trái đất sẽ không thể có nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhưng năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ là quá lớn để sự sống trên trái đất có thể phát triển nếu không có tầng ozone. Tầng bình lưu này bảo vệ trái đất khỏi hầu hết các tia cực tím có hại của mặt trời. Ánh sáng mặt trời tạo ra sự sống, nhưng tầng ozone làm cho sự sống có thể đến được với chúng ta.

Vì vậy, khi các nhà khoa học phát hiện vào cuối những năm 1970 rằng nhân loại đang tạo ra một lỗ hổng trên tấm chắn bảo vệ này, họ đã gióng lên hồi chuông báo động. Lỗ hổng này - gây ra bởi các khí làm suy giảm tầng ozone (ODS) được sử dụng trong các bình xịt và hệ thống làm mát (như tủ lạnh và máy điều hòa không khí) - có nguy cơ làm tăng các trường hợp ung thư da và đục thủy tinh thể, và làm hư hại thực vật, mùa màng và các hệ sinh thái.

Năm 1985, các chính phủ đã thông qua Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ozone. Nghị định thư Montreal của Công ước này yêu cầu hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất carbon của clo và flo (CFC – chlorofluorocacbons) cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ozone khác như tetraclorit carbon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform. Nghị định thư mang tính lịch sử này đã được thông qua tại thành phố Montreal (Canada) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1989. Nghị định thư Montreal áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên.

Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 16/9, ngày ký kết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (16/9/1987), để kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone.

Ngày này chứng minh rằng các quyết định và hành động tập thể của chúng ta, theo khoa học, là cách duy nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dẫn đến những khó khăn về kinh tế và xã hội, thông điệp được truyền tải bởi các thỏa thuận về bảo vệ tầng ozone này càng cho chúng ta thấy rằng cùng hành động một cách hài hòa và vì lợi ích tập thể giữ vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chủ đề của Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone năm nay (16/9/2020), vì vậy, được lựa chọn là: "Ozone cho sự sống" nhằm nhắc nhở chúng ta rằng không chỉ ozone có vai trò quan trọng đối với sự sống trên trái đất mà phải tiếp tục bảo vệ tầng ozone cho các thế hệ tương lai.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Rất ít hiệp định toàn cầu thành công như Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ozone. Hôm nay, nhân Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone, chúng ta kỷ niệm 35 năm công ước này, đây là bước đầu tiên trong quy trình sửa chữa lỗ thủng tầng ozone trên hành tinh. Lỗ này là do các khí được sử dụng trong các aerosol và các thiết bị làm mát tạo ra. Theo Nghị định thư Montreal về Công ước, các chính phủ, nhà khoa học và ngành công nghiệp đã hợp tác và đến nay đã thay thế 99% các loại khí này. Tầng ozone đang được chữa lành, do đó bảo tồn sức khỏe của con người và hệ sinh thái".

Tuy nhiên, công việc theo Nghị định thư Montreal vẫn chưa kết thúc. Nhờ vào Nghị định thư sửa đổi Kigali, cộng đồng quốc tế đang tìm ra các giải pháp thay thế các chất làm mát vốn cũng góp phần dẫn đến mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Nếu được thực hiện đầy đủ, Nghị định thư bổ sung Kigali sẽ có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức 0,4°C.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, với triển vọng phục hồi toàn cầu sau sự tàn phá kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra, chúng ta phải cam kết xây dựng các xã hội mạnh mẽ và bền vững hơn. Chúng ta bắt buộc phải dành những nỗ lực và đầu tư để chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và các hệ sinh thái của mình./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực