Cần quan tâm đến giáo dục đối với trẻ tự kỷ

Thứ hai, 02/04/2018 18:08
(ĐCSVN) – Đó là chia sẻ của bà Michelle Peters – một người có 15 năm kinh nghiệm và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt ở Mỹ. Nhân Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2/4), phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà.
Bà Michelle Peters trong buổi thuyết trình tại Hà Nội về sự tương tác đối với trẻ em
 có chứng tự kỷ và gặp khó khăn về cảm xúc 

Phóng viên (PV): Là người dành nhiều tâm huyết cũng như có nhiều thời gian gắn bó với hoạt động giáo dục đặc biệt, bà có thể chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về chứng tự kỷ ở trẻ em trong xã hội hiện nay?

Bà Michelle Peters: Tôi nghĩ rằng hiện nay hội chứng tự kỷ đang ngày càng nhiều. Ở những xã hội đã chấp nhận chứng tự kỷ và có làm thống kê thì người ta thống kê được rằng số người mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng. Quan điểm của tôi là ở những xã hội đã có sự chấp nhận thì nên có sự can thiệp đối với trẻ tự kỷ. Bởi vì nếu như can thiệp mà không được xã hội chấp nhận thì vấn đề sẽ lớn hơn rất nhiều.

PV: Tại Mỹ, hội chứng tự kỷ ở trẻ em được nhìn nhận như thế nào thưa bà?

Theo Liên hợp quốc, tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh, ảnh hưởng đến hoạt động não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào.

Hội chứng tự kỷ ảnh hưởng tới khoảng 70 triệu người trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình cứ 160 người thì có một người tự kỷ.

Bà Michelle Peters: Tự kỷ là một hội chứng cho nên dải rất rộng, có thể nhìn từ đầu này thì có những người rất thành công và không ai nghĩ người ấy có thể bị tự kỷ, ở đầu kia lại có những dấu hiệu rất rõ. Điều đó dẫn đến một khó khăn khi người ta nhìn nhận tự kỷ như thế nào, xác định như thế nào, nhận ra tự kỷ như thế nào. Ở Mỹ, hệ thống trường học đang dần dần có nhiều hỗ trợ hơn cho người tự kỷ. Mọi người cũng biết nhiều hơn đến hội chứng tự kỷ, được đào tạo nhiều hơn và có nhiều thông cảm hơn với người tự kỷ. Chúng tôi hi vọng, với việc chúng tôi có cơ hội được đi ra ngoài và nâng nhận thức của mọi người có thể giúp đỡ nhiều hơn cho người tự kỷ.

PV: Từ góc độ của một người làm giáo dục, bà nghĩ như thế nào về vấn đề giáo dục đối với trẻ em mắc chứng tự kỷ, trẻ em gặp khó khăn về học tập và cảm xúc?

Bà Michelle Peters: Tôi mong và tin rằng, tất cả những trẻ gặp khó khăn hoặc trẻ khuyết tật đều có cơ hội được giáo dục, được đào tạo để trẻ có thể trở thành một người tốt nhất có thể với tiềm năng của trẻ. Bởi vì nếu chúng ta không làm tốt vấn đề giáo dục thì chúng ta sẽ tự tạo ra những vấn đề khác trong tương lai. Ví dụ như có thể tạo ra nhiều người phụ thuộc hơn, không độc lập được, hoặc là tạo ra vấn đề về nghèo đói và tội phạm. Cho nên chúng ta nên làm tốt vấn đề giáo dục ngay từ bây giờ.

PV: Trong chuyến công tác lần này, qua tìm hiểu cũng như các hoạt động giao lưu trực tiếp với nhà trường, phụ huynh và trẻ em tự kỷ, bà thấy có thách thức nào trong việc giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam hay không?

Bà Michelle Peters: Tôi có 3 ngày ở Việt Nam thôi, và từ những câu hỏi mà tôi trao đổi với mọi người thì tôi có một câu hỏi lớn nhất là: Cộng đồng Việt Nam hiện nay đang triển khai và đạt kết quả như thế nào để có thể giáo dục hoặc nâng cao nhận thức của những người khác về chứng tự kỷ? Qua những thông tin ban đầu của mọi người, thì tôi cảm nhận được là không có nhiều thông tin lắm, hoặc là có những thông tin không được chia sẻ giữa các nhóm khác nhau, hoặc là những phụ huynh ở thành thị có nhiều thông tin hơn phụ huynh ở nông thôn...

PV: Phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ tự kỷ hòa nhập và phát triển tốt, bà có điều gì muốn nhắn nhủ với họ hay không?

Bà Michelle Peters: Từ những hiểu biết của tôi trong mấy ngày vừa rồi, tôi có cảm giác là, vấn đề hiểu biết của phụ huynh đối với các dấu mốc phát triển của trẻ chưa được rõ ràng lắm. Ở Mỹ, một bà mẹ chuẩn bị có một đứa con thì họ được biết rất nhiều thông tin (đến tháng thứ mấy thì trẻ có thể làm được điều này, điều kia,…). Tất nhiên điều này phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa của từng nước. Chẳng hạn như ở Mỹ, chúng tôi khuyến khích phát triển giao tiếp mắt ở trẻ,  trẻ có thể tự do chạy nhảy, vui chơi thoải mái để có thể phát triển, nhưng ở một số nước, trẻ không được nhìn vào mắt người khác (như ở châu Phi) và trẻ chủ yếu ở trên lưng mẹ cho đến 2-3 tuổi mới có sự giao tiếp thực sự. Tôi có một lời khuyên là chúng ta nên lập ra những mốc phát triển của trẻ để tiện theo dõi, đào tạo cha mẹ để họ thấy trong quá trình phát triển của con có gì chệch hướng hoặc lạ lùng hay không, để từ đó họ có điều chỉnh và can thiệp giáo dục cho trẻ cho phù hợp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

Bà Michelle Peters hiện là điều phối viên và quản lý giáo dục của chương trình Tú tài quốc tế tại trường cấp hai Poe, ở Annandale, Virginia. Bà làm việc với các giáo viên để phát triển chiến lược giáo dục, cá nhân hóa theo nhu cầu của từng học sinh, bao gồm học sinh mắc chứng tự kỷ. Bà đồng sáng lập dự án MicheLo, được tài trợ bởi tổ chức quốc tế Rotary. Chương trình của bà hỗ trợ giáo dục, đào tạo thực nghiệm cho giáo viên về các lĩnh vực giáo dục đặc biệt, âm nhạc, thể dục thích ứng và sức khỏe.

 Bà Peters đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý cho những đóng góp của mình như Giáo viên của năm 2013 – 14, đề cử giải thưởng Người phụ nữ hành động Rotary International 2015 và đề cử giải thưởng Dịch vụ Nhân đạo Toàn cầu Rotary International 2013.


Kiều Giang (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực