Chỉ số giá lương thực tăng trong tháng 10

Thứ sáu, 08/11/2019 17:41
(ĐCSVN) – Trong khi giá phô mai, thịt gia cầm và dầu hướng dương giảm thì giá những mặt hàng lương thực chính xuất khẩu như lúa mì, ngô, đường và dầu cọ lại tăng lên. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), lần đầu tiên sau 5 tháng, giá lương thực thế giới đã tăng trong tháng 10 vừa qua.
Thu hoạch ngũ cốc. (Ảnh minh họa: FAO)

Chỉ số giá lương thực của FAO là một chỉ số đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế: ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường.

Theo đó, chỉ số giá lương thực của FAO trung bình đạt 172,7 điểm trong tháng 10, tăng 1,7% so với tháng trước và 6% so với tháng 10/2018. Giá ngũ cốc tăng 4,2% trong tháng, trong khi giá xuất khẩu lúa mì và ngô tăng mạnh trước dự báo về triển vọng cây trồng giảm ở một số nước sản xuất lớn và hoạt động thương mại tốt.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng cho biết giá đường tăng 5,8% trong tháng 10. Sự gia tăng này không liên quan đến dự báo về lượng dự trữ thấp hơn trong năm tới, mà đặc biệt là do sự sụt giảm dự kiến trong sản xuất đường ở Ấn Độ và Thái Lan, tương ứng là các nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.

Giá dầu thực vật cũng tăng lên, với mức tăng 0,5%, cho phép đạt mức cao nhất chỉ trong hơn một năm qua. Giá dầu cọ tăng nhờ sự ra đời của các nhiệm vụ mới đối với việc sử dụng dầu diesel sinh học của Indonesia, nhu cầu nhập khẩu tiếp tục và dự báo tăng trưởng sản lượng chậm lại, trong khi giá dầu hướng dương giảm vì vụ mùa thu hoạch bội thu được ghi nhận ở khu vực Biển Đen.

Ngoài ra, giá thịt tăng 0,9% do nhu cầu nhập khẩu thịt bò và cừu tăng, đặc biệt từ Trung Quốc. Giá thịt lợn tăng vừa phải, trong khi giá thịt gia cầm giảm do khả năng xuất khẩu tốt hơn.

Ngược lại, chỉ số giá sữa của FAO lại ghi nhận mức giảm 0,7% trong tháng 10, vì giá phô mai thấp hơn bù cho giá sữa tách kem và sữa bột nguyên chất. FAO cũng chỉ ra rằng giá của một số loại ngũ cốc như gạo đã giảm do nhu cầu yếu và triển vọng cho thấy thu hoạch lúa thơm Basmati tương đối phong phú.

Trong khi đó, cơ quan của Liên hợp quốc đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay do dự báo sản lượng ngũ cốc thô và lúa mì thấp hơn. "Tuy nhiên, theo Bản tin cung và cầu, cũng được công bố hôm 7/11, từ năm này sang năm khác, sản lượng ngũ cốc thế giới dự kiến sẽ tăng 1,8% từ năm 2018" – FAO cho biết.

Dự báo về sản lượng gạo thế giới có thể đạt mức 513,4 triệu tấn, thấp hơn một chút so với mức của năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn chung, sản lượng ngũ cốc thô được dự báo sẽ tăng 1,2% trong năm nay, lên 425 triệu tấn, trong khi sản lượng lúa mì được dự báo sẽ tăng 4,5% lên mức kỷ lục 765 triệu tấn.

Trong năm 2020, lượng mưa không đủ có thể cản trở việc gieo trồng các loại cây, trong đó có lúa mì ở EU và ngô ở Nam Mỹ. Dự báo thời tiết khá thuận lợi cho các vụ mùa ở Nga và Nam Phi.

Ở phạm vi rộng hơn, FAO dự báo tỷ lệ sử dụng ngũ cốc toàn cầu sẽ giảm xuống còn 30,4%, vẫn là một mức tốt. Dự trữ lúa mì cũng dự kiến sẽ tăng trong khi dự trữ ngô và gạo dự kiến giảm. Năm 2019, thương mại ngũ cốc thế giới dự kiến sẽ tăng 0,7% lên tới 415 triệu tấn./.

Khánh Linh (Theo FAO, UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực