COP25 kết thúc với kết quả không như kỳ vọng

Thứ hai, 16/12/2019 17:58
(ĐCSVN) – Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25) đã kết thúc ngày 15/12 tại Madrid (Tây Ban Nha) song không xứng tầm với tình trạng khẩn cấp về khí hậu khi chỉ thông qua được một thỏa thuận tối thiểu không mong muốn về những điểm mấu chốt do sự miễn cưỡng của một số quốc gia.
leftcenterrightdel
 Thư ký điều hành của UNFCCC Patricia Espinosa và Chủ tịch COP25 Carolina Schmidt trong cuộc phỏng vấn về các cuộc đàm phán COP25. (Ảnh: UN)

Trong tuyên bố được đưa ra ngay sau khi hội nghị COP 25 kết thúc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ rất “thất vọng vì kết quả của COP25” khi "cộng đồng quốc tế đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng và tài trợ cho cuộc khủng hoảng khí hậu". Tuy nhiên, ông khẳng định: "Chúng ta không được từ bỏ, và tôi cũng sẽ không từ bỏ".

Sau một năm trải qua nhiều thảm họa khí hậu trên tất cả các mặt, nhiều lời kêu gọi hành động được đưa ra khiến hàng triệu thanh niên xuống đường tuần hành, những báo cáo khoa học lạnh lùng và mang tính cảnh báo hơn bao giờ hết,… Tất cả đã tạo ra những áp lực chưa từng có đối với COP25 – một hội nghị quan trọng vốn ban đầu do Chile làm Chủ tịch nhưng lại chuyển đến Madrid do cuộc khủng hoảng đang tấn công đất nước Nam Mỹ này.

Tuy nhiên, hội nghị COP 25 đã kết thúc sau gần 2 tuần họp tại Madrid (kéo dài 2 ngày so với dự kiến) với một tuyên bố chung hết sức khiêm tốn, chỉ thừa nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với các những cam kết cắt giảm khí carbon mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khí thải hiện tại với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2°C. Ngôn ngữ "quanh co" và kết quả "tầm thường" theo như lời của bà Catherine Abreu, thuộc Mạng lưới hành động khí hậu, đánh giá. Với kết quả này, Hội nghị COP25 "để lại một hương vị cay đắng" –  Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera nhấn mạnh.

Thỏa thuận Paris về khí hậu – một ký ức xa xôi

Tiến trình đàm phán của hội nghị COP25 lẽ ra đã chấm dứt vào ngày 13/12, nhưng cuối cùng lại bị kéo dài thêm gần 2 ngày so với kế hoạch do các nền kinh tế lớn và nhỏ không giải quyết được những vấn đề tranh chấp theo Thỏa thuận chung Paris năm 2015.

Bà Laurence Tubiana – người “kiến trúc sư” của Thỏa thuận Paris, cho biết: Những quốc gia giữ vai trò chủ yếu mà người ta kỳ vọng đã không đáp ứng được kỳ vọng. Liên minh của các quốc đảo, châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, đã cho phép "xé bỏ kết quả tồi tệ nhất có thể, chống lại ý chí của những người gây ô nhiễm lớn".

Bất chấp một số cải tiến và nỗ lực được triển khai, một số quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã bày tỏ sự tức giận. Đại diện khí hậu của Quần đảo Marshall, Tina Stege, cho biết kết quả "không gần với những gì chúng tôi mong muốn. Đó là mức tối thiểu". Hay như bà Helen Mountford, thuộc Viện Tài nguyên Thế giới, tuyên bố nêu rõ: Các cuộc thảo luận này phản ánh khoảng cách giữa các nhà lãnh đạo quốc gia và tình trạng cấp bách về khí hậu theo khoa học và yêu cầu của người dân đưa ra khi tuần hành trên đường phố. Thỏa thuận Paris giờ chỉ là một "ký ức xa xôi".

Bốn năm sau Thỏa thuận khí hậu Paris, các cuộc đàm phán ở Madrid được xem là thử thách đối với ý chí của các chính phủ nhằm thông qua một hành động tập thể. Giới khoa học trước đó cảnh báo, tốc độ tăng của nhiệt độ trái đất sẽ nhanh chóng tới ngưỡng không thể cứu vãn được nếu không giảm mạnh lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, với tốc độ phát thải CO2 như hiện nay, cột thủy ngân có thể sẽ tăng tới 4 hoặc 5°C vào cuối thế kỷ này. Và ngay cả khi 200 bên ký vào Thỏa thuận Paris tôn trọng các cam kết của họ thì sự nóng lên toàn cầu vẫn có thể vượt quá 3°C.

Vì vậy, trong nỗ lực giảm sự gia tăng nhiệt độ đáng báo động này, tất cả các quốc gia tham dự hội nghị COP phải đệ trình phiên bản sửa đổi kế hoạch giảm phát thải của mình ở COP26 tới tại Glasgow.

Cam kết không từ bỏ

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tại hội nghị COP25, hầu như không có quốc gia phát thải lớn đưa ra bất kỳ thông báo quan trọng nào để nâng cao tham vọng của họ, hoặc đưa ra bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào về ý định tương tự cho năm 2020. Rõ ràng không phải chỉ Mỹ sẽ rời khỏi Thỏa thuận Paris vào tháng 11 tới, mà ngay cả Trung Quốc hay Ấn Độ cũng có những động thái không mấy tích cực. Trước khi đề cập đến các cam kết sửa đổi của riêng họ, hai nền kinh tế lớn này nhấn mạnh về trách nhiệm của các nước phát triển phải làm nhiều hơn và thực hiện lời hứa viện trợ tài chính cho các nước đang phát triển.

Điều đó minh chứng rõ cho thấy điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon. Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trong số kết quả khiêm tốn đạt được của COP25, có lẽ chỉ tìm thấy điểm sáng hiếm hoi là thỏa thuận xanh "Green Deal" của Liên minh châu Âu (EU) cho phép khối này thực hiện mục tiêu triệt tiêu khí thải carbon vào năm 2050. Mặc dù Ba Lan chưa thể tham gia mục tiêu vào thời điểm này song EU vẫn khẳng định vai trò tích cực của mình với mục tiêu trung lập khí hậu vào năm 2050. Ngoài ra, thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU có nội dung cho phép một số quốc gia thành viên quyết định đưa năng lượng hạt nhân vào danh mục các nguồn năng lượng cần thiết.

Việc các quốc gia chưa thể hoàn thành việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại COP25 lần này, đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ được tiếp tục thảo luận và giải quyết tại COP26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020. Anh – quốc gia sẽ tổ chức COP26 – cũng đã hứa sẽ làm tất cả mọi thứ để đạt được thành công cho COP26 tại Glasgow./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực