Đoàn kết, xóa bỏ hận thù, hành động vì hòa bình thế giới

Thứ tư, 20/09/2017 17:00
(ĐCSVN) – Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres lưu ý thế giới ở trong giai đoạn khó khăn “nơi con người đang đau khổ và tức giận âm ỉ”; đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên “hành động để mang lại hòa bình”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc
(Ảnh: UN)

Tuyên bố trước các nhà lãnh đạo chính phủ và quốc gia thành viên nhóm họp ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Tổng thư ký Guterres nêu rõ: “Thế giới của chúng ta đang gặp khó khăn. Con người đang đau khổ và tức giận âm ỉ. Bất ổn thắng thế, bất bình đẳng gia tăng, các cuộc xung đột lan rộng, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh”.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, những chia rẽ đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế giới của chúng ta. Trong bối cảnh đó, ông Guterres kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải hành động để mang lại hòa bình. “Tôi tin tưởng rằng cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng hòa bình, phục hồi niềm tin và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người” – ông nói thêm.

7 mối đe dọa đối với thế giới

Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký António Guterres đặc biệt nhấn mạnh về 7 mối đe dọa hay thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.

Thứ nhất là hiểm họa hạt nhân. The ông Guterres, hiện nay, trên khắp thế giới, những lo ngại về vũ khí hạt nhân đã lên tới mức báo động kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. “Nỗi sợ hãi là có thật. Hàng triệu người đang sống trong nỗi sợ hãi trước các hành động khiêu khích thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên" – ông Guterres lưu ý.

Tổng thư ký Liên hợp quốc “lên án những hành động này”; đồng thời “kêu gọi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và tất cả các quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an". Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nêu rõ: "Nghị quyết 2375 (2017), thống nhất thông qua hồi tuần trước, gia tăng các hình phạt và gửi một thông điệp rõ ràng đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế. Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an tiếp tục đưa ra một mặt trận thống nhất. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và, như đã khẳng định trong nghị quyết, một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này sẽ được tìm thấy".

Theo Tổng thư ký, "giải pháp phải là chính trị và các nhà lãnh đạo phải tỏ rõ sự khôn ngoan". "Hãy phản ứng lại! Chúng ta không được để lôi kéo vào chiến tranh" – ông nói. Nói rộng hơn, theo ông, tất cả các quốc gia đều nên thể hiện thiện chí lớn hơn nhằm đạt được mục tiêu phổ quát là xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nói về mối đe dọa khủng bố toàn cầu. Theo ông, "tăng cường hợp tác quốc tế vẫn là vấn đề cốt yếu”. Ông Guterres cho biết đang có kế hoạch triệu tập, vào năm tới, cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo các cơ quan quốc gia phụ trách đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, nhằm xác lập quan hệ đối tác quốc tế mới để chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Về mối đe dọa thứ ba, Tổng thư ký Liên hợp quốc đề cập tới các cuộc xung đột không được xử lý và những vi phạm một cách có hệ thống luật nhân đạo quốc tế.

Thêm vào đó, mối đe dọa thứ tư được nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đặc biệt nhấn mạnh là vấn đề biến đổi khí hậu. Ông một lần nữa nhắc lại rằng năm 2016 đã là năm nóng nhất trong lịch sử và 10 năm vừa qua nóng nhất chưa từng có. "Các mô hình khoa học chứng minh một cách rõ ràng rằng các sự kiện cực đoan mà chúng ta hiện biết tới phù hợp một cách chính xác với thực tế mới của một hành tinh đang nóng lên” – Tổng thư ký lưu ý. "Đã đến lúc phải giảm lượng khí thải vốn đang dẫn chúng ta đến tự sát. Hôm nay, chúng ta đủ biết rằng phải hành động: những bằng chứng khoa học là không thể chối cãi được”.

Trong bối cảnh đó, ông António Guterres kêu gọi các chính phủ thực hiện Thỏa thuận Khí hậu Paris và đi xa hơn nữa. Ông ca ngợi "những thành phố thiết lập mục tiêu táo bạo" và chào đón "những sáng kiến của hàng nghìn công ty tư nhân, trong đó có cả các công ty dầu khí, hướng tới một tương lai sạch, và đó cũng là một tương lai xanh".

Mối đe dọa thứ năm, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, liên quan đến sự bất bình đẳng gia tăng làm suy yếu nền tảng của xã hội. "Nhiều người thoát khỏi đói nghèo cùng cực hơn bao giờ hết. Ở cấp độ toàn cầu, tầng lớp trung lưu cũng nhiều hơn bao giờ hết. Ngày càng có nhiều người đang sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Nhưng tiến bộ là không đồng đều. Sự bất bình đẳng vẫn nổi bật, dù là thu nhập, bình đẳng về cơ hội hay việc tiếp cận với các kết quả nghiên cứu và đổi mới" – ông lưu ý. "Chúng ta đang có kế hoạch thay đổi lộ trình và đạt được toàn cầu hóa. Kế hoạch này là Chương trình 2030". Đó là Chương trình Phát triển Bền vững cho năm 2030 được các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015.

Ngoài ra, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, mặt tối của sự đổi mới chính là mối đe dọa thứ sáu mà thế giới đang phải đối mặt. Ông đã đề cập đến mối đe dọa về an ninh không gian mạng vốn đang ngày càng diễn biến khôn lường. Ông lưu ý rằng trí thông minh nhân tạo đang thay đổi tình hình và có thể kích thích sự phát triển và cải thiện điều kiện sống một cách đáng kể; tuy nhiên “nó cũng có thể ảnh hưởng khủng khiếp tới thị trường lao động và thực sự đối với an ninh toàn cầu và cấu trúc xã hội”.

Hành động linh hoạt của con người có thể đoàn kết thế giới

Trong bối cảnh đầy rẫy những khó khăn mà thế giới đang phải đối mặt, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải hành động linh hoạt bởi theo ông sự linh hoạt của con người “không phải là một mối đe dọa, ngay cả khi một số người xem là như vậy”. “Tính linh hoạt đặt ra nhiều vấn đề đặc thù, nhưng nếu nó được quản lý tốt, nó có thể đoàn kết thế giới” – ông nói thêm.

Theo Tổng thư ký, cần nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng: “Chúng ta đang không chỉ ứng phó với một cuộc khủng hoảng người tị nạn, mà còn với một cuộc khủng hoảng về tinh thần đoàn kết. Các quốc gia có quyền kiểm soát biên giới. Nhưng điều này không được thực hiện nếu làm tổn hại đến quyền của những người tìm kiếm một tương lai tốt hơn ở nơi khác". Ông Guterres nhấn mạnh: “Thay vì đóng các cửa của mình và cho thấy sự thù địch, chúng ta phải khôi phục lại tính toàn vẹn của chế độ bảo vệ người tị nạn và đơn giản là tìm lại cảm giác từ bi. Mức độ của vấn đề không phải là không thể vượt qua được, miễn là ở khắp nơi trên thế giới, mỗi người cần đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm của bản thân mình".

Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc đặc biệt hoàn nghênh các quốc gia đã chào đón hàng triệu người phải di dời "với tình cảm hiếu khách đáng khâm phục". Theo ông, chúng ta cần tăng cường nỗ lực để giúp họ trong công việc này.

"Những người di cư luôn luôn tồn tại. Và họ sẽ tiếp tục tồn tại vì biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, bất ổn, bất bình đẳng gia tăng, thị trường lao động và mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn" – ông Guterres khẳng định. Trong bối cảnh đó, giải pháp cần thiết theo Tổng thư ký Liên hợp quốc “nằm ở việc thiết lập hợp tác quốc tế sẽ giúp điều chỉnh người di cư để những lợi ích mà họ mang lại được phân phối rộng rãi hơn và các quyền cơ bản của tất cả những người có liên quan được bảo vệ"./.

Khánh Linh (Tổng hợp theo UN, AFP, AP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực