Dù ít nhiễm COVID-19 nhưng trẻ em lại bị tác động mạnh

Thứ năm, 17/09/2020 20:29
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa phối hợp tuyên bố vào thời điểm 9 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, một nửa số học sinh trên thế giới vẫn không thể quay trở lại trường học.
 Một cậu bé ở Ethiopia theo dõi lớp học qua radio do đóng cửa các trường học liên quan đến đại dịch Covid-19  (Ảnh: UN)

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Vào đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, các trường học đã đóng cửa ở 192 quốc gia, khiến 1,6 tỷ học sinh phải về nhà. Hiện nay, 872 triệu học sinh ở 51 quốc gia vẫn chưa thể quay trở lại lớp học của mình”.

Mặc dù hàng triệu trẻ em đã có thể tiếp tục học từ xa, thông qua Internet, truyền hình hoặc đài phát thanh, song theo 3 cơ quan của Liên hợp quốc, vẫn có ít nhất 463 triệu trẻ em đã bị tước mất quyền được học vì không có lựa chọn từ xa.

Trong bối cảnh đó, WHO, UNESCO và UNICEF đang thúc giục các chính phủ ưu tiên mở lại các trường học và đã ban hành những hướng dẫn mới để thực hiện việc này một cách an toàn.

Trả lời phỏng vấn, Trợ lý Tổng giám đốc của UNESCO về giáo dục, bà Stefania Giannini lưu ý: “Trước đại dịch, thế giới đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về học tập - cả về khả năng tiếp cận với giáo dục và chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em”. Vì vậy, "nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ thực sự về một thảm họa thế hệ" – bà nói thêm.

Trẻ em ít bị nhiễm hơn nhưng cũng bị ảnh hưởng

Hiểu COVID-19 ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào đã là một vấn đề ưu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch. "Nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, nhưng chúng tôi đang bắt đầu có một bức tranh rõ ràng hơn" – Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros nói trong cuộc họp báo. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị nhiễm bệnh và lây nhiễm sang người khác; virus cũng có thể khiến các em tử vong, tuy nhiên trẻ em có xu hướng bị nhiễm bệnh nhẹ hơn.

Dữ liệu được 3 cơ quan của Liên hợp quốc trích dẫn cho thấy chưa đầy 10% các trường hợp được báo cáo và ít hơn 0,2% các trường hợp tử vong là ở những người dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Và những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài tiềm ẩn của những người đã bị nhiễm bệnh vẫn chưa được hiểu rõ. Người đứng đầu WHO cho biết: “Mặc dù phần lớn trẻ em không bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng nhất bởi virus, nhưng chúng phải chịu đựng theo những cách khác”.

Trường học, trung tâm phúc lợi của trẻ em

Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, việc đóng cửa trường học trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả tàn khốc cho trẻ em.

Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore phát biểu nêu rõ: Trẻ em “trở nên dễ bị bạo hành hơn về thể chất và tình cảm. Sức khỏe tinh thần của chúng bị ảnh hưởng. Các em dễ bị lạm dụng tình dục và lao động trẻ em hơn, và ít có cơ hội thoát khỏi vòng nghèo đói”. Bà nhấn mạnh rằng đối với những người thiệt thòi nhất, việc không đi học “dù chỉ trong vài tuần” có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực kéo dài suốt đời.

Theo Giám đốc Điều hành UNICEF, “ngoài việc học tập, các trường học cung cấp cho trẻ em các dịch vụ sức khỏe quan trọng, tiêm chủng và dinh dưỡng, cũng như một môi trường an toàn và hỗ trợ”, tuy nhiên những dịch vụ này lại “bị tạm dừng khi các trường học đóng cửa”.

Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng trẻ em nghỉ học càng lâu thì khả năng quay trở lại càng giảm; trong khi đó ít nhất 24 triệu trẻ em sẽ phải bỏ học vì đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức của Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ ưu tiên mở lại trường học khi các hạn chế được dỡ bỏ. Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ xem xét tất cả nhu cầu của trẻ em trong trường học - học tập, bảo vệ, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần - và bảo đảm lợi ích tốt nhất của mỗi trẻ em là trên hết./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực