FAO kêu gọi hành động để COVID-19 không gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu

Thứ tư, 01/04/2020 16:43
(ĐCSVN) – Ngày 31/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu kêu gọi thế giới cần ngay lập tức theo đuổi những nỗ lực để chặn đứng nguy cơ đại dịch COVID-19 có thể thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn thế giới.
leftcenterrightdel
 Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu. (Ảnh: AP)

Trong một bài viết với tựa đề “Đừng để COVID-19 trở thành nạn đói”, ông Qu Dongyu cho rằng, cộng đồng thế giới cần hành động ngay lập tức để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, nhằm bảo đảm rằng cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do COVID-19 gây ra sẽ không dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung lương thực hay đẩy giá lương thực lên cao.

Đề cập tới cuộc chiến chống COVID-19, đại diện này của Liên hợp quốc thừa nhận, những nỗ lực mạnh mẽ để chống lại cơn thủy triều của đại dịch có thể kéo theo một tổn thất nặng nề về kinh tế. Chính vì thế, ông Qu Dongyu cho rằng, để ngăn chặn những nguy cơ to lớn hơn, như việc đẩy hàng triệu người vào tình cảnh thiếu thốn lương thực, ngay cả những người sống tại các nước giàu có, thì thế giới cần ngay lập tức hành động để giảm thiểu nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm.

“Một phản ứng phối hợp và rõ ràng ở cấp độ toàn cầu là điều cần thiết để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, mà trong kịch bản đó, con người thậm chí không thể tiếp cận với thực phẩm” – ông Qu Dongyu lưu ý.

Tổng Giám đốc FAO loại trừ khả năng thiếu hụt lương thực về mặt số lượng, song lại cảnh báo về các hoạt động phân phối mặt hàng này. “Trong khi chúng ta không cần phải lo lắng – vì thế giới vẫn có đủ nguồn cung thực phẩm cho tất cả mọi người, thì chúng ta lại phải đối mặt với một thách thức, một nguy cơ lớn khi thực phẩm có thể sẽ không được phân phối tới những nơi cần thiết” – ông Qu Dongyu nói.

Theo quan điểm của ông Qu Dongyu thì kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng giá lương thực giai đoạn 2007-2008 cho thấy, các biện pháp mà các nước đang thực hiện như phong tỏa, hạn chế đi lại, đóng của các dịch vụ không thiết yếu như quán ăn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ... có thể tạo ra những nút thắt xoay quanh các chuỗi giá trị lâu dài của nền kinh tế toàn cầu hiện đại. Trong khi đó, việc hạn chế xuất khẩu lương thực, thực phẩm bởi một số quốc gia có thể dẫn tới gián đoạn nghiêm trọng thị trường lương thực thế giới, khiến giá cả leo thang. Còn sự thiếu hụt phân bón, thuốc thú y và các sản phẩm đầu vào khác lại có nguy cơ tác động đến sản lượng nông nghiệp.

Ông Qu Dongyu kêu gọi thế giới cần nhìn lại các bài học trong quá khứ để tránh sai lầm tái diễn. Các nhà hoạch định chính sách cần tính toán kỹ lưỡng các bước đi đối phó với dịch COVID-19, không tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung lương thực. Đại dịch là vấn đề toàn cầu và cần phải có một giải pháp phối kết hợp quy mô toàn cầu để đối phó. Thế giới cần phải hành động để ngăn chặn không xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực tiếp theo thông qua việc bảo đảm chức năng vận hành phù hợp của thị trường lương thực, gồm cả việc hình thành nên thông tin về giá, sản lượng, tiêu dùng và dự trữ thực phẩm sẵn có.  Những biện pháp nêu trên sẽ giúp giảm bớt những yếu tố không chắc chắn, cho phép các nhà sản xuất, người tiêu dùng, thương nhân và các nhà chế biến thực phẩm có thể đưa ra những quyết định sáng suốt cũng như ngăn chặn được những hành vi hoảng loạn không đáng có trên thị trường lương thực toàn cầu./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực