Giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 7/2016

Thứ sáu, 05/08/2016 11:50
(ĐCSVN) – Ngày 4/8, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) thông báo cho biết, giá quốc tế của các sản phẩm lương thực cơ bản đã giảm nhẹ trong tháng 7 vừa qua, sau 5 tháng tăng liên tiếp.


Giá lương thực trong tháng 7/2016 giảm nhẹ (Ảnh minh họa: FAO)

Chỉ số giá các sản phẩm lương thực của FAO niêm yết trung bình là 161,9 điểm trong tháng 7/2016, giảm 0,8% so với mức của tháng 6 trước đó và giảm 1,4% so với mức của tháng 7/2015.

Sự suy giảm chung của chỉ số được giải thích phần lớn bởi sự sụt giảm giá quốc tế của các mặt hàng ngũ cốc và dầu thực vật, trong khi giá các sản phẩm sữa, thịt và đường lại tăng.

Chỉ số giá lương thực của FAO là một chỉ số có trọng số dựa trên các trao đổi thương mại, đo lường sự thay đổi hàng tháng của giá quốc tế 5 loại thực phẩm chính: ngũ cốc, thịt, các sản phẩm từ sữa, dầu thực vật và đường.

Chỉ số giá ngũ cốc đã giảm 5,6% trong tháng 7, tiếp sau đó là sự sụt giảm mạnh của giá ngô do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trong các khu vực sản xuất chính tại Mỹ – nhà sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới. Giá lúa mì cũng giảm, thời gian này chủ yếu là do trữ lượng thế giới phong phú và triển vọng thuận lợi về nguồn cung xuất khẩu tại khu vực Biển Đen. Ngược lại, trong bối cảnh khi nguồn gạo sẵn có giảm, giá của sản phẩm này đã tăng lên, trong đó đặc biệt là giá gạo Basmati và gạo hạt dài.

Giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số giá dầu thực vật giảm 2,8% so với mức trong tháng 6 trước đó. Sự giảm sút này chủ yếu liên quan đến giá dầu cọ, vốn xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, được giải thích bởi sự phục hồi theo mùa trong sản xuất ở Đông Nam Á và lượng cầu nhập khẩu thấp. Giá đậu tương quốc tế, dầu hướng dương và dầu hạt cải cũng được điều chỉnh giảm khi triển vọng gần đây về nguồn cung khá dồi dào.

Ngoài ra, chỉ số giá sữa tăng 3,2% so với tháng trước, với giá bơ ghi nhận mức tăng cao nhất trong nhóm các sản phẩm từ sữa. Tuy vậy, giá các sản phẩm này vẫn ở mức rất thấp so với các năm trước.

Chỉ số giá thịt tăng 1,3% kể từ tháng 6. Giá chung của tất cả các sản phẩm thịt tiếp tục duy trì, do tình trạng thiếu đàn lợn thịt ở Liên minh châu Âu và giảm sản xuất thịt bò và cừu ở châu Đại Dương. Nhu cầu thịt quốc tế vẫn còn cao, lượng mua ở Trung Quốc được nối lại và nhập khẩu thường xuyên từ một số nước châu Á./.

Khánh Linh (Theo FAO, UN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực