Kinh tế thế giới lao đao vì đại dịch COVID-19

Thứ sáu, 31/07/2020 18:18
(ĐCSVN) – Nền kinh tế toàn cầu hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, đặc biệt ở Mỹ và Đức; trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi những người trẻ tuổi "đừng lơ là cảnh giác" khi dịch bệnh tái bùng phát.

Thế giới có gần 17,5 triệu ca nhiễm COVID-19

 Thế giới đã ghi nhận có tổng cộng 17.433.427 ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: AFP)

Tính đến sáng 31/7, thế giới đã ghi nhận có tổng cộng 17.433.427 ca nhiễm bệnh COVID-19, trong đó 675.179 ca tử vong và 10.917.809 ca phục hồi.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết các trường hợp mắc COVID-19 xuất hiện trở lại tại một số quốc gia “có vẻ một phần là do những người trẻ tuổi lơ là cảnh giác trong suốt mùa hè ở phía Bắc bán cầu".

Tình hình dịch bệnh trong mùa xuân vừa qua ở Mỹ đã khiến tổng sản phẩm quốc nội giảm trong quý hai, giảm 32,9% so với nhịp độ hàng năm. So với quý II năm 2019, mức giảm là 9,5%. Với lần giảm hàng quý thứ hai liên tiếp này, nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức bước vào suy thoái. Trong quý đầu tiên, GDP của Mỹ đã giảm 5%.

Trước kết quả không mấy tích cực này, Tổng thống Mỹ Donald Trump– ngày 30/7 đã lần đầu tiên phát biểu về giả thuyết hoãn cuộc bầu cử Tổng thống vốn dự kiến vào tháng 11 tới đây. Ông đề cập tới những rủi ro gian lận liên quan đến đại dịch.

Trong khi đó, Đức – nền kinh tế lớn của châu Âu cũng đã công bố "sự sụt giảm lịch sử" 10,1% GDP trong quý II. Đức đang trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời hậu chiến: GDP sụt giảm lớn hơn nhiều so với mức 4,9% mà nước này trải qua vào thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2009. Tuy vậy, các chuyên gia cũng mong đợi sự phục hồi mạnh mẽ khi ngoài các biện pháp hỗ trợ quốc gia, Berlin còn dự định sẽ tận dụng kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ Euro của châu Âu, vừa được 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua tại Brussels vào giữa tháng 7.

Tương tự, trong giai đoạn từ tháng 4- 6 vừa qua, GDP cũng giảm mạnh ở Bỉ (12,2%), ở Áo (10,7%) và ở Mexico (17,3%).

Các công ty dầu mỏ, nhà sản xuất máy bay, nhà sản xuất ô tô cũng đang phải chịu tổn thất lớn, với khoản lỗ khủng khiếp trong quý II : 8,4 tỷ USD đối với Total và 18,1 tỷ USD đối Royal Dutch Dutch Shell, trong khi Airbus ghi nhận khoản lỗ ròng 1,9 tỷ Euro trong nửa đầu năm năm nay.

Tất cả các thị trường chứng khoán châu Âu đều đã kết thúc thấp hơn vào ngày 30/7, do các kết quả và chỉ số kinh tế đều tồi tệ hơn mong đợi. Frankfurt mất 3,45%, London 2,31% và Paris 2,13%.

Thiệt hại nặng nề và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Tại Brazil, tính đến sáng 31/7 đã có tới 2.610.102 ca nhiễm COVID-19, trong đó 91.263 ca tử vong. Trong một diễn biến đáng chú ý, Chính phủ Brazil ngày 30/7 thông báo đệ nhất phu nhân nước này, bà Michelle Bolsonaro đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Thông báo trên được đưa ra 5 ngày sau khi chồng bà, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết đã khỏi bệnh và trở lại làm việc bình thường sau 2 tuần cách ly.

Tại châu Âu, những người Anh bị nhiễm bệnh hoặc có các triệu chứng của căn bệnh này sẽ phải tự cách ly 10 ngày, nhiều hơn 3 lần so với trước đây, để hạn chế lây truyền.

Chính quyền Tokyo ngày 30/7 cũng kêu gọi các nhà hàng, quán bar và quán karaoke ở thủ đô của Nhật Bản đóng cửa sớm hơn vào buổi tối trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch đang tái bùng phát tại đất nước này. Các chuyên gia cho rằng tình hình ở đây "nghiêm trọng hơn trước".

Trên bờ biển châu Âu, cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe liên quan đến COVID-19 "tạo ra một dòng người di cư kinh tế đặc biệt" như cảnh báo của Bộ Nội vụ Italy. Bộ Nội vụ Italy cũng đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu xử lý vấn đề "ngay lập tức" trong bối cảnh hơn 11.000 người di cư đã tới nước này vào tuần trước.

INSEE, viện thống kê của Pháp, ngày 30/7 cho biết từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, dịch bệnh khiến tỷ lệ tử vong ở châu Âu lên mức cao nhất, vượt quá 50% so với trung bình dựa trên số ca tử vong trong cùng tuần giai đoạn năm 2016 – 2019. Tỷ lệ tử vong vượt mức này lên tới 60% ở Pháp, 155% ở Tây Ban Nha và 91% ở Bỉ.

Thụy Điển, cho đến nay đã áp dụng một chiến lược ít nghiêm ngặt hơn so với phần còn lại của châu Âu khi đối mặt với đại dịch COVID-19, song ngày 30/7 cũng đã khuyến nghị làm việc từ xa ít nhất cho đến dịp lễ Năm mới 2021./.

Khánh Linh (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực