Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt bất bình đẳng giới trong các gia đình

Thứ tư, 26/06/2019 16:43
(ĐCSVN) – Theo báo cáo mới của Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN-Women) vừa được công bố hôm 25/6, khi các quyền của phụ nữ đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây thì gia đình lại chính là nơi xảy ra vi phạm các quyền cơ bản của con người và bất bình đẳng giới.
Phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm hàng đầu trong mọi hoạt động xã hội. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Trong tuyên bố được đưa ra, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành của UN-Women, tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi lưu ý rằng những nỗ lực phối hợp đang được thực hiện trên toàn thế giới để từ chối hành động của phụ nữ và quyền tự quyết định của họ, nhân danh bảo vệ "giá trị gia đình". Tuy nhiên, nhờ vào nghiên cứu và bằng chứng thu thập được, chúng tôi biết rằng không tồn tại một hình thức gia đình "tiêu chuẩn" nào và chưa từng có một gia đình nào như thế”.

Theo bà, báo cáo nhan đề “Sự tiến bộ của phụ nữ trên thế giới 2019 – 2020” cho thấy trong một thế giới đang thay đổi như hiện nay, các gia đình cần đi tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, với điều kiện các nhà hoạch định chính sách thực hiện các chính sách dựa trên điều kiện thực tế mà mọi người sống ngày nay, với quyền của phụ nữ được xem là yếu tố trung tâm.

Báo cáo nhấn mạnh sự đa dạng của các gia đình trên khắp thế giới và đưa ra các khuyến nghị mạnh mẽ để bảo đảm rằng luật pháp và chính sách hỗ trợ gia đình ngày nay đáp ứng nhu cầu của tất cả các thành viên, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Trong số các xu hướng dễ nhận thấy là tuổi kết hôn đã tăng lên ở tất cả các khu vực, trong khi tỷ lệ sinh giảm và phụ nữ được hưởng quyền tự chủ kinh tế lớn hơn. Chỉ hơn 1/3 số hộ gia đình là các cặp vợ chồng có con, và các gia đình mở rộng cũng gần như phổ biến (27%).

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng phần lớn các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ, chiếm 8% số hộ gia đình, do phụ nữ quản lý. Họ thường dung hòa công việc được trả lương, nuôi con và làm việc nhà không lương. Các gia đình có vợ/chồng đồng giới đang dần xuất hiện nhiều hơn ở tất cả các khu vực.

Báo cáo cũng cho thấy các gia đình có thể tạo ra xung đột, bất bình đẳng và rất thường xuyên gây ra bạo lực. Thậm chí ngày nay, 3 tỷ phụ nữ và trẻ em gái sống ở các quốc gia nơi hãm hiếp trong các cặp vợ chồng không được coi là một hành vi phạm tội.

Nhưng bất công và vi phạm cũng có những hình thức khác. Tại 1 quốc gia trong 5 quốc gia, các cô gái không có quyền thừa kế như con trai, trong khi ở các quốc gia khác (19 trong số các quốc gia được nghiên cứu) phụ nữ được pháp luật yêu cầu phải tuân theo chồng. Khoảng 1/3 phụ nữ đã kết hôn sống ở các nước đang phát triển nói rằng họ ít hoặc không được chăm sóc sức khỏe của chính họ.

Phụ nữ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động với số lượng lớn, nhưng kết hôn và làm mẹ làm giảm tỷ lệ tham gia của họ vào thị trường này, cũng như thu nhập và lợi ích từ nó. Trên toàn cầu, chỉ hơn một nửa số phụ nữ kết hôn ở độ tuổi 25 – 54 tham gia lực lượng lao động, so với 96% nam giới. Một trong những yếu tố chính duy trì sự bất bình đẳng này là phụ nữ tiếp tục chăm sóc và làm việc nhà nhiều gấp 3 lần so với nam giới, khi những người khác không thể chăm sóc và làm việc như vậy với chi phí tương đương.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng tập trung vào những thách thức mà phụ nữ và gia đình họ phải đối mặt khi di cư. Sự hiện diện của các quy định không công bằng dẫn đến việc một số gia đình không được quyền thống nhất và thường không thể hưởng lợi từ các dịch vụ công cộng. Và khi đó, những người phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn, hoặc thậm chí không thể thoát khỏi một mối quan hệ bạo lực.

Trong bối cảnh đó, báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động xã hội và mọi người từ mọi tầng lớp cùng biến gia đình thành nơi bình đẳng và công bằng, nơi phụ nữ có thể đưa ra lựa chọn và lên tiếng, và là nơi họ được hưởng những lợi ích về an ninh, vật lý và kinh tế. Bảo đảm các gia đình là một nơi bình đẳng và công bằng không chỉ là một yêu cầu về đạo đức, mà là một yếu tố thiết yếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) – chương trình toàn cầu toàn diện nhất để bảo đảm sự tiến bộ của nhân loại./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực