Nhận định về nguyên nhân nạn đói tăng lên ở châu Phi

Thứ sáu, 17/11/2017 20:04
(ĐCSVN) – Tại hội nghị phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/11, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết số lượng người bị suy dinh dưỡng mãn tính đã tăng lên tại châu Phi.
FAO tiếp tục báo động về tình trạng mất an ninh lương thực tại châu Phi. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Theo báo cáo "Tổng quan vùng về an ninh lương thực và dinh dưỡng ở châu Phi năm 2017" công bố tại hội nghị của WHO và FAO bàn về hệ thống thực phẩm bền vững, điều kiện thời tiết bất lợi, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và xung đột là những nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực ở châu Phi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng mãn tính đã tăng từ 20,8% vào năm 2015 lên 22,7% vào năm 2016.

Ông Bukar Tijani, Trợ lý Tổng giám đốc của FAO và Đại diện khu vực châu Phi, cho biết: "Số lượng người suy dinh dưỡng tăng từ 200 lên 224 triệu người, chiếm 25% tổng số 815 triệu người suy dinh dưỡng trên thế giới vào năm 2016".

Báo cáo cho biết trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ, vùng châu Phi cận Sahara đã có những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống đói nghèo, với tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm từ 29,1% xuống còn 20,6%. Tuy nhiên, sau những tiến bộ này là một giai đoạn chậm chạp khi tình trạng đói nghèo xấu đi ở một số quốc gia vào năm 2015 và 2016. Điều này được giải thích phần lớn do ảnh hưởng của xung đột và các điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hán tái diễn, thường liên quan đến hiện tượng El Niño, làm giảm sản lượng của các vụ mùa, gây thiệt hại đáng kể cho chăn nuôi.

Tại khu vực châu Phi cận Sahara, vào năm 2016, đa số những người thiếu dinh dưỡng sống tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột. Trong những nước này, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao gấp đôi so với các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi xung đột. Phần lớn trong số 815 triệu người bị suy dinh dưỡng của thế giới vào năm 2016, hay 489 triệu người, sống trong các quốc gia có nguy cơ cao xảy ra xung đột, các hành động bạo lực, và tình hình chính trị không ổn định.

Mặc dù tần suất xảy ra chiến tranh đã giảm trong những thập kỷ gần đây, nhưng số lượng các cuộc xung đột bạo lực và các trường hợp tử vong liên quan đến xung đột gần đây đã tăng mạnh. Hơn 1/3 các xung đột bạo lực trên thế giới đang diễn ra tại khu vực châu Phi cận Sahara và trong số 19 nước bị ảnh hưởng bởi xung đột và khủng hoảng kéo dài, 13 nước nằm ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Theo FAO, những tình huống như vậy làm nổi bật nhu cầu cần tăng cường khả năng hồi phục của các cộng đồng bị ảnh hưởng và tìm giải pháp hòa bình để củng cố an ninh lương thực. Báo cáo vừa công bố xác định nhiều cách đóng góp vào an ninh lương thực và sinh kế của người dân, đồng thời giúp xây dựng khả năng hồi phục sau xung đột và duy trì hòa bình. Do sự phức tạp của các cuộc xung đột và mối liên hệ giữa xung đột và mất an ninh lương thực, trong khi biến đổi khí hậu có xu hướng gia tăng, báo cáo của FAO nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm an ninh lương thực và can thiệp dinh dưỡng, vốn có tác động lâu dài đến hòa bình./.

Khánh Linh (Theo UN, FAO, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực