Nhân Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm 2017

Thứ tư, 11/10/2017 17:24
(ĐCSVN) – Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm 2017 (11/10) đánh dấu sự khởi đầu của một nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và ứng phó với những thách thức mà các trẻ em gái phải đối mặt trước, trong và sau khi xảy ra khủng hoảng.
Theo Liên hợp quốc, trong 15 năm qua, cộng đồng quốc tế đã có những tiến bộ đáng kể
trong việc cải thiện cuộc sống của trẻ em gái ở tuổi ấu thơ. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Ngày 19/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 11/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em gái cũng như những trở ngại đặc biệt mà các em gặp phải trên thế giới. Thêm vào đó, Ngày Quốc tế Trẻ em gái nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ những thách thức mà các trẻ em gái phải đối mặt, thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái và tôn trọng quyền con người của các em.

Những cô gái vị thành niên có quyền có một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng, mà cả khi các em trở thành phụ nữ. Thực tế cho thấy nếu được bảo đảm các quyền này trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới khi trở thành những người lao động trong tương lai, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, người chủ gia đình, và các nhà lãnh đạo chính trị. Đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên sẽ cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó, các cô gái sẽ chia sẻ cùng một nửa nhân loại để giải quyết những cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu.

Theo Liên hợp quốc, trong 15 năm qua, cộng đồng quốc tế đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của trẻ em gái ở tuổi ấu thơ. Năm 2015, những trẻ em gái dưới 10 tuổi có nhiều cơ hội được học tiểu học, được tiêm chủng và ít có khả năng bị các vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng hơn là các thế hệ trước. Tuy nhiên, đầu tư vẫn không đủ để ứng phó với những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt khi các em bước vào giai đoạn 10 năm tiếp theo của cuộc đời. Các em cần có được một nền giáo dục trung học có chất lượng cao hơn, thoát khỏi tình trạng tảo hôn, nhận được thông tin và các dịch vụ liên quan đến tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản, bảo vệ chống lại tình trạng mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và bạo lực giới.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững cho 15 năm tới, đây chính là thời điểm để xem xét và nhấn mạnh những bước thực hiện mà ở đó trẻ em gái được hưởng lợi, cũng như thúc đẩy khát vọng của trẻ em gái từ thủa ấu thơ cho đến khi các em trở thành vị thành niên, để các em có thể phát huy hết tiềm năng của mình và trở thành nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng một thế giới bền vững và công bằng. Tất cả các chương trình đầu tư cho trẻ em gái, dù là hỗ trợ các em về sức khỏe, giáo dục hay an toàn, đều giúp các em cải thiện được cuộc sống và góp phần vào một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

Theo Liên hợp quốc, thế giới hiện có 1,1 tỷ trẻ em gái. Các em đại diện cho một nguồn năng lượng cùng sức sáng tạo đáng kinh ngạc. Và hàng triệu trẻ em gái hiện đang sống trong những tình huống khẩn cấp cũng không phải là ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm 2017 được kỷ niệm với chủ đề: "Trao quyền cho trẻ em gái: trước, trong và sau khi xảy ra khủng hoảng" nhằm đánh dấu sự khởi đầu của một nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và ứng phó với những thách thức mà các trẻ em gái phải đối mặt trong giai đoạn trước, trong và sau khi xảy ra khủng hoảng.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Trẻ em gái năm 2017, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova lưu ý ngày kỷ niệm này diễn ra trong một giai đoạn rối ren, khi thế giới phải đối mặt với những vấn đề về di cư, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, vốn đang có quy mô ngày càng tăng lên. Cho dù là do xung đột vũ trang hay thiên tai thì các cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái. Những đối tượng này chiếm hơn 75% số người tị nạn và người di cư bị đe dọa bởi chiến tranh, nạn đói, khủng bố và thiên tai. Họ cũng có nguy cơ bị khai thác và lạm dụng tình dục trong các cuộc xung đột và trại tị nạn.

Theo Tổng giám đốc UNESCO, không một xã hội nào có thể phát triển và không thỏa thuận hòa bình nào có thể tồn tại nếu không trao cho các trẻ em gái phương thức để các em hành động vì hòa bình và tái thiết. “Đã đến lúc đặt yêu cầu này vào trọng tâm của mọi nỗ lực mà chúng ta đang triển khai để ứng phó với xung đột và bạo lực” – bà Irina Bokova khẳng định./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực