Phản ứng của thị trường thế giới sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Thứ năm, 10/11/2016 21:33

(ĐCSVN) - Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11/2016 và sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20-1-2017 đã làm đảo lộn dự báo của giới truyền thông và làm ngạc nhiên không chỉ nhiều cử tri Mỹ. Ngay sau chiến thắng của ông Trump, thị trường thế giới đã xuất hiện những biến động trái chiều.

Ngày 10/11, chứng khoán Mỹ tăng điểm sau một ngày chao đảo. (Ảnh AP)

Trên thị trường ngoại hối ngày 10-11, chỉ số đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt đã phục hồi từ mức 95,885 trong phiên giao dịch ngày 9-11 lên mức 98,448. Tại Nhật Bản, tỷ giá đồng USD so với đồng yen đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 27-7, theo đó 1 USD đổi được 105,96 yen, cao hơn so với mức 1 USD đổi 101,19 yen trong phiên giao dịch ngày 9-11. Tại Australia, 1 USD đổi được 76,62 AUD, cao hơn so với mức 1 USD đổi được 76,19 AUD khi chốt phiên giao dịch ngày 9-11.

Trong khi đó, chốt phiên giao dịch ngày 9-11, thị trường chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc xanh, với các cổ phiếu ngành tài chính, y tế và công nghiệp đều tăng mạnh lên 3%, trong bối cảnh giới đầu tư hi vọng Tổng thống đắc cử Trump sẽ giữ cam kết tăng chi ngân sách trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 256,30 điểm, tương đương 1,4%, lên mức 18.589,04. Đây là mức chốt phiên cao nhất của chỉ số này kể từ tháng 8 đến nay. Trong khi đó, các chỉ số chính khác là S&P 500 từ 1,11% lên 2.163,26 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng ghi thêm 1,11%, đóng cửa ở mức 5.251,07 điểm.

Giám đốc điều hành DoubleLine Capital, Jeffrey Gundlach - người vốn được mệnh danh là “Vua trái phiếu” lý giải, sau nhiều tháng cảnh báo rằng việc ông Trump vào Nhà Trắng có thể gây nên sự bất ổn và ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường, giới đầu tư đã rót tiền vào các lĩnh vực có thể sinh lời khi ông Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Đó là lý do giúp Phố Wall khởi sắc ngay trong phiên 9-11.

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lên điểm. Chỉ số STOXX 600 của châu Âu giảm 2,4% ở đầu phiên trước khi tăng 1,5% vào cuối phiên, lên 339,8 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 31-10.

Tại châu Á, vào cuối phiên giao dịch ngày 9-11, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) đã giảm 5,4% xuống 16.251,54 điểm; chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,2% xuống 22.415,19 điểm trong khi chỉ số Shanghai Composite mất 0,6% xuống 3.128,37 điểm; Chỉ số Sensex trên sàn chứng khoán Bombay (Ấn Độ) giảm 3%. Chứng khoán tại thị trường Sydney (Australia) giảm gần 2%, tại thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 2,3%, thị trường Singapore giảm 1,8%, thị trường Manila (Philippines) giảm 2,5% và thị trường Jakarta của Indonesia giảm 2%....

Tuy nhiên, ngày 10-11, chứng khoán châu Á đã khởi sắc trong bối cảnh thị trường toàn cầu phục hồi đáng kể một ngày sau khi bị giảm điểm mạnh do chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump.

Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán Tokyo đã tăng mạnh tới 6%, bù đắp cho thiệt hại một ngày trước đó. Trong những phút đầu tiên sau khi mở phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã tăng 975,74 điểm (6%) lên 17.227,28 điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng tăng 70,06 điểm (5,38%) lên 1.371,22 điểm.

Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) cũng tăng 1,7% sau khi giảm 2,4% trong phiên giao dịch ngày 9-11.

Tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 433,55 điểm (1,93%) lên 22.848,74 điểm. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 20,17 điểm (0,64%) lên 3.148,54 điểm trong khi chỉ số tổng hợp Thâm Quyến tăng 15,24 điểm (0,74%) lên 2.083,71 điểm.

Chứng khoán Australia cũng đã tăng 3% khi mở phiên giao dịch ngày 10-11. Đây là mức tăng lớn nhất trong ngày của thị trường chứng khoán Australia kể từ cuối năm 2011. Theo đó, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 147,1 điểm lên mức 5.303,7 điểm.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới cũng đi lên trong phiên giao dịch ngày 10-11, trong bối cảnh chứng khoán và đồng USD tăng trở lại sau khi đã “trượt dốc” trước đó. Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 32 xu Mỹ (0,7%) lên 46,36 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 29 xu Mỹ (0,6%) lên 45,27 USD/thùng. Trước đó, trong phiên này, giá dầu đã có thời điểm sụt giảm 4% xuống gần 43 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần hai tháng qua.

Với chiến thắng của ông Trump, nhiều nhà phân tích nhận định rằng sẽ có nhiều nhân tố có lợi cho giá dầu, như việc chính sách của Mỹ đối với Iran có khả năng thay đổi. Ngân hàng Commerzbank cho rằng, nếu ông Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran mà ông đã từng chỉ trích quyết liệt, giá dầu có thể sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng những nỗ lực khôi phục giá dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ trở nên khó khăn hơn khi ông Trump đắc cử. OPEC có thể sẽ phải đối mặt với nhu cầu dầu yếu nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và khả năng sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng khi ông Trump theo đuổi chính sách phát triển năng lượng hóa thạch.

Trên thị trường vàng, giá vàng Mỹ quay đầu giảm nhẹ từ mức tăng 5% được ghi nhận trước đó. Trên sàn giao dịch kim loại COMEX (New York), giá vàng kỳ hạn Mỹ giao tháng 12-2016 giảm 0,1% xuống đóng phiên ở mức 1.273,50 USD/ounce do đồng USD quay đầu tăng cao và các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm.

Theo  Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS, còn quá sớm để dự đoán ông Trump sẽ thúc đẩy hay làm tổn thương tăng trưởng kinh tế Mỹ trong dài hạn. UBS dự báo giá vàng sẽ ở mức 1.350 USD/ounce trong 6 và 12 tháng tới.

Theo các chuyên gia phân tích, những biến động trên phần nào phản ánh sự bất định của thị trường thế giới, với tác động từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Dường như các nhà đầu tư cho rằng việc đảng Cộng hòa giờ đây kiểm soát cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ có thể là tin tốt cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ. Bên cạnh đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump cũng nhiều lần khẳng định kế hoạch tăng chi ngân sách và tiến hành cắt giảm thuế. Ngoài ra, theo giới phân tích, dường như thị trường vẫn tin vào khả năng ông Trump giành chiến thắng, do đó không xảy ra tác động mạnh như kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc London rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) hồi cuối tháng 6 vừa qua./.

Tô Chu (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực