Syria: Hơn 350.000 người thiệt mạng trong 7 năm xung đột

Thứ tư, 14/03/2018 17:30
(ĐCSVN) – Bùng phát từ tháng 3/2011, cuộc nổi dậy ở Syria chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã biến thành một cuộc chiến tranh thảm khốc và phức tạp. Hơn 350.000 người đã thiệt mạng, ít nhất một nửa dân số phải di cư và một đất nước bị tàn phá nặng nề.

Xung đột tại Syria tiếp tục leo thang

Trẻ em Syria (Ảnh: Reuters)

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi mới đây tuyên bố cho biết: “7 năm chiến tranh vừa qua đã để lại vào một thảm họa nhân đạo lớn cho con người”. Mặc dù có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc song xung đột tại Đông Ghouta gần Damascus vẫn không ngừng leo thang.

Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) ngày 12/3 khẳng định “353.935 người xác định danh tính đã bị thiệt mạng kể từ ngày 15/3/2011”, trong đó có 106.390 dân thường, và trong số những người này có “19.811 trẻ em và 12.513 phụ nữ”.

Ngoài ra, một tổ chức phi chính phủ của Pháp cũng công bố các số liệu đánh giá cho thấy 3 triệu người đã bị thương. Trong số đó, 1,5 triệu người hiện phải sống với thương tật vĩnh viễn, trong đó 86.000 người bị cắt cụt bộ phận của cơ thể.

Theo UNHCR, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu đến tháng 12/2017, hơn 5,4 triệu người Syria đã phải chạy trốn ra nước ngoài, hầu hết tìm kiếm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có số lượng người Syria đăng ký tị nạn lớn nhất với hơn 3.3 triệu người. Tại Lebanon, cuộc sống của gần một triệu người tị nạn Syria đang rất khó khăn do thiếu nguồn tài chính. Tiếp sau đó là Jordan (657.000 người), Iraq (hơn 246.000 người) và Ai Cập (126.000 người). Hàng trăm nghìn người Syria cũng đã đổ về châu Âu, trong đó có Đức.

Không những thế, theo các chuyên gia, cuộc xung đột tại Syria cũng đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế nước này, khi phần lớn cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Các nhà chức trách Syria cho biết sản lượng dầu mỏ đã giảm gần như bằng 0. Không chỉ năng lượng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, mà tất cả các lĩnh vực hoạt động của nước này đều bị tác động bởi cuộc xung đột.

Vào tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chi phí tổn thất do chiến tranh là 226 tỷ USD, tương đương gấp 4 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria vào giai đoạn trước xung đột. Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi đánh giá: "Cuộc chiến tại Syria đang phá vỡ đường lối kinh tế và xã hội của nước này”. Theo WB, xung đột đã làm hư hại hoặc phá huỷ 27% khu nhà ở và khoảng một nửa số trung tâm y tế và giáo dục.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) thì cho biết “hơn 13 triệu người đang cần cứu trợ và bảo vệ (…) trong khi 69% dân số sống trong nghèo đói cùng cực”.

Theo UNHCR, 2,98 triệu người đang ở trong các khu vực khó tiếp cận và các thành phố bị bao vây.

Vào thời điểm khi cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này chưa đầy 3 ngày nữa sẽ bước sang năm thứ 8 liên tiếp thì xung đột vẫn diễn ra ác liệt tại khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô thủ đô Damascus, bất chấp lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27/2. Các bên liên quan tiếp tục đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Cho đến nay, quân đội Syria đã giải phóng được khoảng 52% lãnh thổ Đông Ghouta./.

Khánh Linh (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực