Tảo hôn – thách thức lớn đối với khu vực châu Phi

Thứ tư, 20/01/2016 16:14
(ĐCSVN) – Vào năm 2050, châu Phi dự kiến sẽ vượt qua Nam Á, trở thành khu vực có số lượng “cô dâu nhí” ở mức cao nhất thế giới. Dựa trên các dự báo trong một báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về tình trạng kết hôn ở trẻ em châu Phi, số lượng “cô dâu nhí” ở khu vực này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2050, với con số 310 triệu người.

Những ước mơ “bị đánh cắp”

Cũng như nhiều em gái cùng trang lứa, Amina Abdelrahman (Cộng hòa Chad), 15 tuổi, có nhiều kế hoạch cho tương lai của mình. “Ước mơ của em là trở thành một bác sỹ, để có thể chữa bệnh cho mọi người” – cô bé chia sẻ.

Amina (15 tuổi) và hai con trai của cô (Ảnh: UNICEF)

Nhưng, ước mơ ấy có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Cuộc sống của cô bé đã đột ngột bước sang một ngã rẽ khác vào năm em 12 tuổi, khi em phải bỏ học và kết hôn. Cô gái nhỏ hiện đã trở thành mẹ của hai đứa trẻ. Hai con trai của Amina là Moustapha (3 tuổi) và Haroun (1 tuổi) hiện đang sống cùng cô trong một ngôi nhà chỉ gồm một phòng làm bằng đất sét.

“Em đã đến trường tiểu học chỉ trong hai năm, và em phải bỏ học bởi vì em là con gái duy nhất trong gia đình. Em phải giúp mẹ em nấu nướng và làm việc nhà. Ngay sau khi em bỏ học, mẹ em đã lấy chồng cho em” – cô bé nói.

Amina hiểu được rằng, việc học tập có thể mang lại cho em nhiều cơ hội và một tương lai tươi sáng. Nhưng trong mắt của mẹ em, thì con gái luôn gắn với việc kết hôn, có con và chăm sóc chồng.  “Khi họ nói với em rằng, em đã được kết hôn, em không thể nói được gì nữa” – cô bé giải thích. “Nhưng ngay cả nếu như em có nói gì, thì mẹ của em cũng không chấp nhận”.

Cô bé chia sẻ thêm: “Khi em sống với mẹ và các anh trai, tất cả các anh của em đều được đến trường. Em đã từng rất ghen tị với họ. Em ước là em có thể trở lại trường học và được giống như các anh của mình. Em muốn có một công việc, muốn xây ngôi nhà của chính mình và chăm sóc những đứa con”.

Amina chỉ là một trong số 15 triệu bé gái kết hôn ở độ tuổi còn là “trẻ con”. Điều này đồng nghĩa với việc, các em bị tước đi cơ hội để biến những ước mơ và khát vọng trở thành hiện thực.  Tại Cộng hòa Chad, cứ trong 10 bé gái thì có 7 em kết hôn trước 18 tuổi. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, kết hôn là điều tốt nhất cho con gái của họ. Đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ nghèo cao, các bậc cha mẹ đã kết hôn cho con gái của họ vì lý do tài chính.

Nhiều nguy cơ từ nạn tảo hôn

Tảo hôn là trường hợp kết hôn trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người là trẻ em hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn. Tảo hôn thường đi kèm với một hủ tục khác là hôn nhân được sắp đặt. Trong đó, các bé gái thường là nạn nhân và là người chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.

Khi kết hôn sớm, nhiều em gái còn là nạn nhân của bạo lực gia đình (Ảnh: UNICEF)

Đại diện UNICEF tại Chad Philippe Barragne-Bigot cho rằng, tảo hôn không chỉ đặt tương lai của trẻ em trước nhiều nguy cơ mà còn đe dọa đến sự phát triển, hòa bình và thịnh vượng của gia đình, cộng đồng và toàn thế giới. Những “cô dâu trẻ con” khi kết hôn quá sớm, cơ thể của các em chưa phát triển hoàn thiện, chưa sẵn sàng cho việc sinh nở, do vậy đặt các em trước rất nhiều nguy cơ.

Hiện nay, trên thế giới, có hơn 700 triệu phụ nữ đã kết hôn từ khi còn nhỏ. Hơn 1/3 trong số họ, tức là khoảng 250 triệu người đã kết hôn khi chưa 15 tuổi. Những cô bé kết hôn trước 18 tuổi thường rất ít có cơ hội tiếp tục đi học, trong khi nhiều khả năng họ bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn trong quá trình mang thai và sinh nở so với những người ở độ tuổi 20. Những đứa con của họ cũng có nhiều nguy cơ chết yểu.

Báo cáo của UNICEF năm 2009 cho thấy, những cô gái kết hôn sớm thường bỏ học và sau đó mang thai. Tỷ lệ tử vong ở các “bà mẹ trẻ” trong quá trình mang thai và sinh nở chiếm một con số đáng kể trong tổng số tỷ lệ tử vong ở nữ giới độ tuổi 15 – 19, với 70.000 trường hợp mỗi năm. Nếu một người mẹ có tuổi dưới 18, thì con của cô ta có nguy cơ tử vong trong năm đầu đời cao hơn 60% so với những đứa trẻ được sinh ra một người mẹ trên 19 tuổi. Thậm chí, những đứa trẻ này nếu còn sống thì thường có nguy cơ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, chậm phát triển về nhận thức.

Bên cạnh đó, những “cô dâu trẻ em” thường có nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng và khai thác. Họ phải xa rời gia đình, bạn bè và không được tham gia các hoạt động cộng đồng. Do vậy, họ bị thiệt thòi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Châu Phi sẽ có 310 triệu “cô dâu nhí” vào năm 2050?

Theo ước tính của Liên hợp quốc, vào năm 2050, châu Phi dự kiến sẽ vượt qua Nam Á, trở thành khu vực có số lượng “cô dâu nhí” ở mức cao nhất thế giới. Dựa trên các dự báo trong một báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về tình trạng kết hôn ở trẻ em châu Phi, số lượng “cô dâu nhí” ở khu vực này có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2050, với con số 310 triệu người.

Tại khu vực Sahara châu Phi, có tới 40% phụ nữ kết hôn khi còn nhỏ. Con số này ở Tây và Trung Phi là 42% và ở Đông và Nam Phi là 37%. Châu Phi có tới 15 trong số 20 quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ tảo hôn. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với khu vực này.

Trong một nỗ lực nhằm chống lại nạn tảo hôn, vào tháng 11/2015, hội nghị với chủ đề “Chấm dứt nạn tảo hôn ở châu Phi” đã diễn ra trong hai ngày tại thủ đô Lusaka của Zambia. Đây là hội nghị đầu tiên của Liên minh châu Phi (AU) về vấn nạn này. Tham gia hội nghị có đại diện các nước thành viên AU, các phu nhân tổng thống, các quan chức của Liên hợp quốc, cũng như đại diện các các nhóm dân sự.

Phó Giám đốc điều hành UNICEF Fatoumata Ndiaye cho rằng cần “hành động ngay lập tức chứ không thể chờ thêm nữa”.

Theo báo cáo của UNICEF được công bố tại hội nghị trên, dân số châu Phi dự kiến tăng nhanh trong những năm tới, đặt hàng triệu bé gái trước nguy cơ kết hôn sớm. Dự báo, số trẻ em gái sẽ bùng nổ từ 275 triệu hiện nay lên tới 465 triệu em trong 35 năm tới.

Nạn tảo hôn có nguồn gốc từ truyền thống và văn hóa nên sẽ không dễ dàng để thay đổi. Nhiều bậc cha mẹ và các cô gái cũng ý thức được điều này nhưng họ không có nhiều lựa chọn, do vậy họ lại trở thành những người “tiếp tay” cho vấn nạn này.

Các quan chức Liên hợp quốc cho rằng, để thành công trong cuộc chiến chống nạn tảo hôn, trước hết phải khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử giữa các sắc tộc, vùng miền và giai cấp,… Điều này đồng nghĩa với việc, châu Phi cần phải nỗ lực rất nhiều và cần có một quyết tâm rất lớn mới có thể đẩy lùi được vấn nạn tảo hôn./.

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực