Thực hiện 13 biện pháp mới chống các bệnh không lây nhiễm

Thứ sáu, 28/09/2018 22:13
Ngày 27/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hoan nghênh tuyên bố chính trị đã được lãnh đạo các nước thông qua cùng ngày tại New York (Niu Y-oóc, Mỹ), trong đó cam kết thực hiện 13 biện pháp mới nhằm chống lại các bệnh không lây nhiễm (NCD) và tăng cường sức khỏe tinh thần.
 
NCD bao gồm các căn bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh phổi, đột quỵ và tiểu đường. Các căn bệnh này là nguyên nhân gây ra gần 70% số ca tử vong trên toàn thế giới. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tê-đrô A-đa-nôm Ghê-brây-út) nhấn mạnh các biện pháp này "mang đến một cơ hội lịch sử thúc đẩy sức khỏe, cứu sống các sinh mệnh và góp phần phát triển kinh tế. "

Ngày 27/9, tại kỳ họp khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, các nhà lãnh đạo thế giới đã quyết định thúc đẩy  nỗ lực ở mỗi quốc gia để ngăn chặn và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng những nỗ lực này phải được hiện thực hóa thông qua luật pháp và các biện pháp tài chính mạnh mẽ để bảo vệ người dân khỏi vấn nạn thuốc lá, thực phẩm không lành mạnh và những sản phẩm độc hại khác. Các biện pháp này bao gồm việc giới hạn quảng cáo rượu, cấm hút thuốc và đánh thuế đồ uống có đường.

Các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cũng cam kết thực hiện hàng loạt  chính sách mà WHO khuyến cáo về phòng ngừa và chống lại các bệnh NCD. Những chính sách này bao gồm thực hiện các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh, tiêm chủng chống lại nhiễm trùng HPV để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, điều trị huyết áp cao và bệnh tiểu đường.

Theo WHO, việc tiến hành đồng bộ một loạt chính sách và biện pháp này sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế tương đương 350 tỷ USD tại các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình từ nay đến năm 2030 - thời điểm các quốc gia thành viên LHQ xác định để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng có những cam kết khác về việc chấm dứt tình trạng gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em, thúc đẩy hoạt động thể chất thường xuyên, giảm ô nhiễm không khí và cải thiện sức khỏe tinh thần của người dân.

Phó Tổng thư ký LHQ Amina J. Mohammed (A-mi-na Mô-ha-mét) cho rằng khi thế giới ngày càng toàn cầu hóa, tuổi thọ trung bình cao hơn, môi trường thay đổi nhanh chóng và mức độ đô thị hóa cao, thế giới cũng chứng kiến những thay đổi về mặt nhân khẩu học và nhiều mặt khác. Những điều này dẫn đến gánh nặng từ các bệnh không lây nhiễm gia tăng ở tất cả các quốc gia. Đặc biệt, đa số các trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện nay được ghi nhận tại các nước đang phát triển và điều này cũng là nguyên nhân dẫn đền tình trạng nghèo đói kéo dài./.

Cao Hoàng Hoa/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực