Vấn nạn tảo hôn ở Zimbabwe

Thứ năm, 24/11/2016 17:01
(ĐCSVN) – Cũng như nhiều quốc gia châu Phi, tảo hôn đã trở thành vấn nạn ở Zimbabwe. Con số thống kê đưa ra ngày 22/11 cho thấy, có hơn 4.500 trẻ em ở nước này đã bỏ học để kết hôn trong năm nay, bất chấp quy định của pháp luật về việc không được kết hôn trước 18 tuổi.

Tảo hôn – thách thức lớn đối với khu vực châu Phi

Hàng nghìn cô bé, cậu bé phải nghỉ học vì kết hôn

Bộ trưởng Giáo dục Tiểu học và Trung học Zimbabwe Lazarus Dokora ngày 22/11 cho biết, có 3.650 bé gái và 251 bé trai ở cấp trung học đã bỏ học trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay. Trong khi đó, có 305 bé gái và 13 bé trai ở cấp tiểu học cũng đã bỏ học để bắt đầu cuộc sống gia đình của chính các em.

Hàng nghìn cô bé, cậu bé ở Zimbabwe đã phải bước vào cuộc sống hôn nhân khi chưa 18 tuổi 
(Ảnh: Reuters)

Tại Zimbabwe, trẻ em thường bắt đầu học tiểu học khi 5 – 6 tuổi, nhưng nhiều em ở các khu vực nông thôn và trang trại có thể bắt đầu muộn hơn. Một khảo sát cho thấy, có 21% trẻ em, trong đó đa phần là bé gái đã kết hôn trước 18 tuổi, chủ yếu do nghèo đói, tập quán văn hóa và tôn giáo.

Ông Lazarus Dokora cho biết, Chính phủ cần tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức chống lại nạn tảo hôn và ngăn chặn đặc biệt là trẻ em gái không kết hôn sớm.

Dưới tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, hạn hán trong các năm 2015 – 2016 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ ở một số khu vực nông thôn – nơi mà nhiều bậc cha mẹ đã phải bán hết vật nuôi để trang trải cuộc sống, họ đánh đổi con cái của mình trong các cuộc hôn nhân sớm.

Vấn đề tôn giáo cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở Zimbabwe. Chẳng hạn, theo đức tin tôn giáo và tập quán truyền thống, các bé gái thường được khuyến khích kết hôn với những người lớn tuổi khi họ còn rất nhỏ tuổi.

Luật pháp liên quan đến hôn nhân ở Zimbabwe có sự phân biệt đối xử với các cô gái, trong đó luật hôn nhân cho phép các cô gái 16 tuổi kết hôn trong khi tuổi tối thiểu cho con trai là 18. Luật tục hôn nhân theo tập quán không quy định độ tuổi tối thiểu cho việc kết hôn.

Khi những người trong cuộc lên tiếng

Tảo hôn có ảnh hưởng chủ yếu đến các bé gái – những người sống trong nghèo đói  và tại các khu vực nông thôn. Tại Zimbabwe, những bé gái đến từ 20% hộ gia đình nghèo nhất có tỷ lệ kết hôn trước 18 tuổi cao hơn gấp 4 lần so với các bé gái đến từ 20% hộ gia đình nghèo nhất.

Năm 2013, Zimbabwe đã thông qua Hiến pháp mới trong đó quy định rằng “không có ai có thể bị ép buộc kết hôn mà trái với mong muốn của họ” và kêu gọi nhà nước đảm bảo rằng “không có trẻ em nào bị ép buộc kết hôn”. Tuy nhiên, những cô gái 16 tuổi nếu được sự đồng ý của cha mẹ vẫn có thể được kết hôn.

Tháng 7/2015, hai cô gái Loveness Mudzuru (20 tuổi) và Ruvimbo Tsopodzi (19 tuổi) đã đệ đơn lên Chính phủ, đề nghị thay đổi quy định có sự phân biệt đối xử với các cô gái về độ tuổi kết hôn (nữ là 16 tuổi trong khi nam là 18 tuổi).

Loveness Mudzuru (20 tuổi) chụp ảnh cùng con, cô kết hôn khi mới 16 tuổi (Ảnh: NYTimes)

Bản thân Loveness và Ruvimbo cũng đều là những cô dâu khi mới 16 tuổi, họ nằm trong số 31% các cô gái ở Zimbabwe kết hôn khi chưa được 18 tuổi. Với sự trợ giúp của một số tổ chức nhân đạo, Loveness và Ruvimbo đã dẫn đầu thành công một chiến dịch hợp pháp nhằm công nhận độ tuổi 18 là tuổi tối thiểu kết hôn ở Zimbabwe, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Tháng 1/2016, Tòa án Hiến pháp Zimbabwe đã ra phán quyết về luật hôn nhân, trong đó nói rằng các cô gái 16 tuổi dù  kết hôn có sự đồng ý của cha mẹ cũng là trái với pháp luật và công nhận 18 tuổi là độ tuổi tối thiểu cho việc kết hôn.

Tuy Loveness hài lòng vì phán quyết của Tòa án nhưng cô cũng bày tỏ sự nuối tiếc vì những cơ hội mà mình đã bỏ lỡ do kết hôn sớm.  

Cùng chung suy nghĩ với Loveness, Confidence – một cô gái 22 tuổi, đã kết hôn với người đàn ông 42 tuổi khi cô mới chỉ 14 tuổi cho biết, trong những năm đầu của cuộc hôn nhân, cô đã rất đau khổ và cố gắng để tự tử nhưng không thành. Cô cho rằng, “tảo hôn đã hủy hoại cuộc đời tôi. Hiện giờ tôi không có việc làm và không thể tìm một công việc bởi vì tôi đã buộc phải thôi học”.

Câu chuyện chưa có hồi kết

Trên thế giới, có hơn 700 triệu cô gái đã kết hôn trước 18 tuổi và 125 triệu người trong số đó ở châu Phi, báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết. Trong khi nạn tảo hôn đã giảm được 10% trên thế giới trong vòng 25 năm qua, thì một báo cáo của UNICEF đưa ra hồi tháng 11/2015 cho thấy, nếu dân số tăng trưởng ở mức như hiện tại, thì “một nửa số cô dâu trẻ em trên thế giới vào năm 2050 sẽ là ở châu Phi”.

Số liệu từ UNICEF cho thấy, cứ trong 3 phụ nữ ở châu Phi, thì có 1 người kết hôn trước 18 tuổi 
(Ảnh: UNICEF)

Theo UNICEF, khoảng 250 triệu cô gái trên thế giới đã kết hôn khi chưa 15 tuổi. Những cô gái kết hôn trước 18 tuổi thường rất ít có cơ hội tiếp tục đi học, trong khi nhiều khả năng họ bị bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn trong quá trình mang thai và sinh nở so với những người ở độ tuổi 20. Những đứa con của họ cũng nguy cơ chết yểu cũng cao hơn.

Zimbabwe là một trong 33 quốc gia châu Phi đưa ra độ tuổi tối thiểu cho hôn nhân là 18 tuổi, nhưng tình trạng hôn nhân bất hợp pháp vẫn diễn ra do có sự đồng ý của các bậc cha mẹ.

Theo quan chức UNICEF về bảo vệ trẻ em Cornelius Williams, Zimbabwe cần có một hệ thống pháp luật đầy đủ để thực thi theo đúng luật pháp. Ông cũng khẳng định sự đồng hành của UNICEF đối với Chính phủ Zimbabwe để loại bỏ vấn nạn tảo hôn.

Theo ông Williams, tảo hôn là một hình thức vi phạm nhân quyền. Những bé gái trở thành cô dâu trong khi lẽ ra cần được nhận một nền giáo dục đầy đủ. Họ thậm chí còn có thể trở thành nạn nhân của sự lạm dụng và gặp rất nhiều biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở. “Nó ảnh hưởng đến quyền của họ về giáo dục. Nó ảnh hưởng đến quyền của họ về sức khỏe. Họ thiếu các kỹ năng và kiến thức để đưa gia đình họ thoát khỏi nghèo đói”, ông Williams nói.

Các cô bé không được đi học, đồng nghĩa với việc các em không được đào tạo nghề. Trong khi đó, nhiều gia đình kết hôn sớm cho con gái do kết quả của đói nghèo, họ mong muốn nhận được một khoản tiền từ cuộc hôn nhân đó. Bởi vậy, đại diện UNICEF cho rằng, việc tảo hôn sẽ chỉ góp phần trong chu kỳ nghèo đói.

Nạn tảo hôn có nguồn gốc từ truyền thống và văn hóa nên sẽ không dễ dàng để thay đổi. Nhiều bậc cha mẹ và các cô gái cũng ý thức được điều này nhưng họ không có nhiều lựa chọn, do vậy họ lại trở thành những người “tiếp tay” cho vấn nạn này.

Không chỉ riêng ở Zimbabwe, tảo hôn sẽ còn là câu chuyện dài, và nếu không có sự chung tay góp sức của chính phủ, người dân và  các tổ chức quốc tế thì sẽ chưa thể đi đến hồi kết./.

Kiều Giang (theo Girlsnotbrides, NYTimes, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực