WHO: Hơn 300 triệu người trên thế giới đang bị trầm cảm

Chủ nhật, 02/04/2017 17:25
(ĐCSVN) – Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân gây tử vong và khuyết tật hàng đầu trên thế giới; hơn 300 triệu người trên thế giới hiện đang sống với vấn đề này, tăng hơn 18% trong giai đoạn 2005 – 2015.

Poster miêu tả một cuộc thảo luận về trầm cảm trong một trại tị nạn ở Trung Đông. (Ảnh: WHO)

WHO nhấn mạnh việc thiếu hỗ trợ cho những người bị rối loạn tâm thần cùng với nỗi sợ hãi bị kỳ thị ngăn chặn rất nhiều người trong số họ được tiếp cận với các biện pháp điều trị cần thiết để có được cuộc sống lành mạnh và có sức khỏe tốt.

Những đánh giá mới nhất được WHO công bố trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm Ngày Y tế Thế giới (7/4), cao điểm trong chiến dịch của WHO có nhan đề “Trầm cảm: hãy nói về điều đó” được thực hiện trong cả năm nay. Mục tiêu chung của chiến dịch nhằm có thêm nhiều người bị trầm cảm trên khắp thế giới tìm kiếm để có thể được sự trợ giúp và nhận được sự giúp đỡ này.

Tổng giám đốc WHO Margaret Chan tuyên bố cho biết: “Những số liệu mới này gióng lên hồi chuông báo động để tất cả các quốc gia cùng xem xét lại cách tiếp cận đối với vấn đề sức khỏe tâm thần và quan tâm tới vấn đề này, đồng thời thừa nhận mức độ khẩn cấp cần thiết”.

Còn theo ông Shekhar Saxena, Giám đốc Cơ quan Sức khỏe tâm thần và lạm dụng các chất gây nghiện của WHO, một trong những giai đoạn đầu tiên của chiến dịch là giải quyết các vấn đề về thành kiến và phân biệt đối xử. “Đối với những người đàn ông hay phụ nữ bị trầm cảm, việc nói chuyện với một người được tín nhiệm thường là bước đầu tiên hướng tới điều trị và chữa bệnh" – ông lưu ý.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường đầu tư. WHO cho biết tại nhiều quốc gia chỉ có rất ít hoặc không hỗ trợ cho những người bị rối loạn tâm thần. Thậm chí ngay cả tại các quốc gia có thu nhập cao, gần 50% những người bị rối loạn tâm thần vẫn không được chăm sóc. Các khoản đầu tư cho sức khỏe tâm thần cũng được lý giải bởi kế hoạch kinh tế. Theo WHO, mỗi đô-la đầu tư vào việc mở rộng các phương pháp điều trị trầm cảm và lo âu có thể mang lại 4 đô-la trong cải thiện sức khỏe và khả năng làm việc. Nhìn chung, việc điều trị tập trung vào theo đuổi liệu pháp thông qua đối thoại hoặc điều trị thuốc chống trầm cảm hoặc kết hợp cả hai.

WHO cảnh báo, trong bối cảnh đó, nếu không hành động, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Theo một nghiên cứu được WHO thực hiện, tính toán những chi phí của việc điều trị và các kết quả y tế tại 36 quốc gia có thu nhập thấp, trung bình hay cao trong vòng 15 năm từ 2016 – 2030, việc thiếu nhận thức và thiếu tiếp cận với các biện pháp chăm sóc trầm cảm hay một loại rối loạn tâm thần phổ biến khác, sự lo âu, sẽ dẫn tới thiệt hại về kinh tế ước tính 1.000 tỷ USD mỗi năm đối với các gia đình, những người lao động và các chính phủ.

Ngoài ra, WHO cũng đã xác định những liên kết chặt chẽ giữa trầm cảm và các rối loạn hay bệnh không lây nhiễm khác. Trầm cảm làm tăng nguy cơ rối loạn liên quan đến lạm dụng thuốc và một số bệnh như tiểu đường hoặc bệnh tim. Ngược lại, những người có các vấn đề về sức khỏe khác cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.

Trầm cảm là một bệnh tâm thần thường gặp đặc trưng bởi nỗi buồn dai dẳng và thiếu quan tâm khiến cho các hoạt động mà người ta yêu thích trở nên bình thường, kèm theo việc không có khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày trong 14 ngày trở lên. Ngoài ra, người bị trầm cảm thường có một số triệu chứng như: mất năng lượng, thay đổi khẩu vị, tăng hoặc giảm giấc ngủ, lo âu, giảm tập trung, do dự, kích động, cảm giác vô dụng, tội lỗi, hoặc tuyệt vọng, tự hủy hoại hoặc ý nghĩ tự tử./.
Khánh Linh (Theo UN, WHO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực