Thâm Quyến: Điểm sáng trong cải cách mở cửa của Trung Quốc

Thứ năm, 24/05/2018 15:26
(ĐCSVN) – Thâm Quyến được giới phân tích đánh giá là một mô hình thu nhỏ trong quá trình cải cách mở cửa 40 năm qua của Trung Quốc (1978-2018). Từ một làng chài nhỏ, năm 1979, Thâm Quyến đã được chính phủ nước này quyết định thành lập thành phố và năm sau đó phát triển thành đặc khu kinh tế; từ đó, luôn dẫn đầu và trở thành một kỳ tích cho đến ngày hôm nay.
 


Một góc thành phố Thâm Quyến (Ảnh: chinanews.com)

Trong quá trình phát triển, Đặc khu kinh tế Thâm Quyến đã chứng kiến nhiều đổi thay lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời cũng trải qua không ít khó khăn, trở ngại.

Chính quyền trung ương Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đặt nhiều kỳ vọng đối với đặc khu này. Người được cho là kiến trúc sư trưởng về cải cách mở cửa Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đích thân hai lần đến khảo sát và yêu cầu Thâm Quyến cần phải táo bạo hơn nữa đối với việc cải cách mở cửa.

Sau 38 năm hình thành và phát triển, Thâm Quyến đã tạo ra kỳ tích như một "đặc khu kinh tế công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa mang tầm thế giới”.

Sân golf thành phố Thâm Quyến nhìn từ trên cao (Ảnh: chinanews.com)

Thay đổi lớn đầu tiên là kinh tế có bước tăng trưởng nhảy vọt. Năm 1979, GDP của Thâm Quyến chỉ đạt 197 triệu Nhân dân tệ (NDT), GDP bình quân đầu người đạt 606 NDT; thì đến năm 2017, GDP của Thâm Quyến đạt mức 2,24 nghìn tỷ NDT, GDP bình quân đầu người đạt 183.100 NDT, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 23%, tạo nên mô hình tăng trưởng hiếm có trên thế giới.

Gặp nhiều khó khăn từ thời kỳ đầu xây dựng, đến nay, những thành quả sáng tạo của Viện nghiên cứu khoa học Thâm Quyến đã hỗ trợ tích cực cho đà phát triển mạnh mẽ của Thâm Quyến. Đặc biệt, trong cơ chế phối hợp giữa học tập, nghiên cứu và sản xuất, Thâm Quyến đứng vị trí tốp đầu các thành phố ở Trung Quốc, đồng thời đã tạo nên một hệ thống công nghệ sáng tạo gắn với cơ chế hợp tác nhiều mặt giữa học tập, nghiên cứu và sản xuất.

Khu du lịch "Cửa sổ Thế giới" ở Thâm Quyến (Ảnh: chinanews.com)

Thực tế cho thấy, Trung Quốc luôn tồn tại một sự khác biệt lớn giữa thành quả nghiên cứu khoa học và sản phẩm thị trường; thành quả khoa học của các trường đại học được ứng dụng trong sản xuất kinh doanh là một việc khó khăn. Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu Đại học Thanh Hoa tại Thâm Quyến đã được thành lập, được cho là Cơ quan nghiên cứu khoa học kiểu mới đầu tiên của Trung Quốc, Viện nghiên cứu này có cơ chế đột phá, là đơn vị sự nghiệp quản lý theo mô hình doanh nghiệp, tự chủ về nhân lực và tài chính.

Theo số liệu thống kê hiện nay có hơn 1.500 vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, trong đó 21 công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, thực hiện mục tiêu "Phục vụ chuyển hóa thành tựu khoa học và công nghệ của Đại học Thanh Hoa, phục vụ phát triển xã hội và kinh tế của Thâm Quyến" .

Đến năm 2017, tỷ lệ đầu tư vào nghiên cứu phát triển toàn xã hội của Thâm Quyến chiếm 4,13% GDP, bao gồm 20.400 bằng sáng chế quốc tế PCT, chiếm 43,1% toàn Trung Quốc, 14 năm liên tiếp đứng  đầu trong bảng xếp hạng các thành phố của Trung Quốc. Năm 2017, doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao giá trị gia tăng chiếm 32,8% GDP  và đã trở thành lá cờ đầu trong phát triển sáng tạo của Trung Quốc.

Ngày nay, Thâm Quyến đã trở thành một trung tâm kinh tế, sáng tạo khoa học công nghệ, tài chính khu vực và dịch vụ hậu cần của Trung Quốc. Nó có cảng biển container lớn thứ ba thế giới, cửa khẩu đường bộ lớn nhất châu Á, trong đó có 7 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới như: Huawei, Bình An, Tencent, Vanke, Hengda...

Mặc dù trở thành kỳ tích của đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhưng Thâm Quyến đã không phải trả giá bằng môi trường. Tỷ lệ che phủ cây xanh của toàn thành phố đạt 40,9%, có gần 1.000 công viên và được mệnh danh là "thành phố công viên". Nồng độ ô nhiễm bụi PM2.5 trung bình năm đạt mức tốt nhất trong các thành phố lớn của Trung Quốc.

Ông Vương Vĩ Trung, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đông, Bí thư Thành ủy Thâm Quyến cho biết, dân số di dân của Thâm Quyến có độ tuổi trung bình trẻ, khoảng 32,5 tuổi. Thông qua việc thành lập Viện nghiên cứu Đại học Thanh Hoa Thâm Quyến và Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, Thâm Quyến đã triển khai nhiều hình thức thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Chính các chính sách này đã trở thành ưu thế lớn nhất của Thâm Quyến so với các thành phố lớn khác.

Cảng container Diêm Điền Thâm Quyến (Ảnh: chinanews.com)

Theo ông Vương, kinh nghiệm thành công trong cải cách mở cửa của Đặc khu hành chính Thâm Quyến gồm 3 điểm quan trọng, đó là: Không ngừng thúc đẩy cải cách hệ thống nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Thị trường hóa là mục tiêu không thay đổi của Thâm Quyến để tiến hành cải cách nền kinh tế; thị trường đầy đủ sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong việc phân bổ các nguồn lực, đồng thời phát huy tốt vai trò của nhà nước Trung Quốc. Tạo lập một môi trường có hệ thống thị trường hàng đầu và hoàn thiện sẽ thúc đẩy được sự thay đổi về chất, hiệu suất và động lực trong phát triển nền kinh tế.

Theo Baidu, Đặc khu kinh tế Thâm Quyến có diện tích gần 2.000 km². Dân số tính đến năm 2017 là 12,53 triệu người. Thành phố giáp biên giới với Hồng Kông, cách Quảng Châu 160 km về phía nam. Cảng Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc, chỉ sau cảng Thượng Hải. Thâm Quyến là một hình mẫu thành công của Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư và nhân lực từ trong nước lẫn ngoài nước, tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. 

Đặng Hải (Theo Chinanews, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực