Học giả Indonesia kỳ vọng vào Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam

Thứ năm, 19/12/2019 15:30
Học giả Indonesia tin tưởng rằng Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của tổ chức khu vực này trên trường quốc tế.
leftcenterrightdel
Giáo sư Aleksius trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Hữu Chiến/Vietnam+) 

Giáo sư về quan hệ quốc tế Aleksius Jemadu (A-lếch-xi-út Giơ-ma-đu) thuộc Đại học Pelita Harapan kỳ vọng Việt Nam trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN sẽ nhấn mạnh thực tế ASEAN là một nền tảng chính sách đối ngoại chung của tất cả 10 quốc gia thành viên. Ông cũng mong rằng Việt Nam sẽ thực sự củng cố vị thế của khối với tư cách là chủ thể trung tâm trong quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh một số quốc gia thành viên có xu hướng thực dụng, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước.

Theo Giáo sư Aleksius, Chủ tịch ASEAN 2020 là một “tấm gương tốt” cho các nước châu Á khác trong lĩnh vực phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng và lượng vốn đầu tư nước ngoài cao nhất. Ông hy vọng rằng trên nền tảng đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, qua đó giúp ASEAN có thể cạnh tranh với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. 

Đánh giá về chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Giáo sư Aleksius - nguyên Trưởng Bộ môn Khoa học Xã hội và Chính trị thuộc Đại học danh tiếng Pelita Harapan - cho rằng đây là một “lựa chọn tốt” của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN. Ông nói: "Thật tốt khi ASEAN nhấn mạnh hiệp hội là một tổ chức khu vực gắn kết và có sức nặng trong quan hệ với các cường quốc. Hiện chúng ta cần một ASEAN gắn kết để duy trì sự ổn định của khu vực”.  Theo đó, ASEAN phải cùng chung tiếng nói trước các cường quốc cũng như trong việc xử lý các vấn đề quan trọng nội khối nhằm duy trì ổn định khu vực, điều mà tất cả các nước thành viên đều cần để tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế. 

Cũng theo Giáo sư Aleksius, một điều quan trọng khác là ASEAN phải chủ động thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường bên ngoài, đặc biệt là thương mại điện tử. Ông hy vọng rằng Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại điện tử nội khối, qua đó biến Cộng đồng kinh tế ASEAN thành một trung tâm sản xuất của thế giới. Ngược lại, điều đó cũng sẽ giúp ASEAN trở nên gắn kết hơn và thích ứng nhanh hơn nhằm đối phó với các thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực.

Cho rằng ASEAN cần một "thủ lĩnh" để thúc đẩy quan hệ với tất cả các cường quốc vốn theo đuổi các chiến lược riêng, Giáo sư mong Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt ASEAN tăng cường sự gắn kết và thống nhất. Ông bày tỏ: "Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trên cương vị Chủ tịch ASEAN nhằm duy trì sự đoàn kết, qua đó giúp nâng cao uy tín của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực đang nổi lên trong mắt cộng đồng quốc tế”. 

Giáo sư Aleksius hy vọng rằng tất cả các nước ASEAN sẽ đồng lòng hỗ trợ Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo khối trong năm tới./.

TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực