Thêm một bước tiến hòa giải ở Trung Đông

Thứ tư, 24/08/2016 10:08
(ĐCSVN) - Quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những bước tiến tích cực khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua thỏa thuận hòa giải với Israel. Động thái này đã chính thức mở đường cho việc khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel được hàn gắn sau 6 năm rạn nứt 

Thông qua thỏa thuận hòa giải

Ngày 17/8, các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã trình lên Quốc hội nước này một thỏa thuận thanh toán với Israel, trong đó Tel Aviv sẽ trả cho Ankara 20 triệu USD trong vòng 25 ngày để đổi lại việc Thổ Nhĩ Kỳ rút lại những cáo buộc về mặt pháp lý đối với Israel liên quan tới vụ binh sĩ nước này tấn công tàu chở hàng cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ tới Dải Gaza hồi tháng 5/2010. Số tiền nói trên sẽ được dùng để bồi thường cho những người bị thương và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc.

Ngày 21/8, Israel đã hoan nghênh việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua thỏa thuận hòa giải song phương. Bình luận về điều này, Thủ tướng Netanyahu cho biết: "Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là hai cường quốc trong khu vực, sự rạn nứt giữa hai nước không tốt cho những lợi ích sống còn của chúng ta cũng như ngăn cản chúng ta hợp tác vì những lợi ích đó".

Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: "Israel hoan nghênh quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và mong chờ những bước tiếp theo của việc thực thi thỏa thuận". Tuyên bố khẳng định Israel đang hướng tới tiến hành trao đổi Đại sứ với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 28/6, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã ký thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa hai nước và nhất trí số tiền bồi thường 20 triệu USD nói trên. Việc Israel xin lỗi và đồng ý bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tấn công tàu Mavi Marmara được coi là động thái nhằm khép lại cuộc tranh cãi đã kéo dài 6 năm qua giữa hai nước.

Hiện Israel vẫn duy trì việc phong tỏa Hải quân đối với Dải Gaza, tuy nhiên cho phép viện trợ nhân đạo đến vùng lãnh thổ này qua các cảng của Israel. Thổ Nhĩ Kỳ dự định cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza thông qua cảng biển Ashdod của Israel và tiến hành một loạt dự án phát triển ở Gaza, đặc biệt là điện và nước.

Quan hệ đồng minh đổ vỡ

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, từng là đồng minh thân cận, đã bị đổ vỡ sau vụ Hải quân Israel tấn công tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng cứu trợ tới Dải Gaza vào ngày 31/5/2010, làm 10 nhà hoạt động xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu thiệt mạng. Khi đó, phía Israel cho rằng, Hải quân nước này hành động như vậy là để tự vệ vì bị nhóm người trên tàu tấn công bằng gậy, dao và súng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, Hải quân Israel đã nã súng ngay khi họ đặt chân lên boong tàu.

Sau vụ việc trên, căng thẳng giữa hai nước đã bị đẩy lên cao. Thổ Nhĩ Kỳ lập tức trục xuất Đại sứ của Israel đồng thời rút Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tel Aviv về nước và cắt đứt quan hệ an ninh, chỉ duy trì các quan hệ ngoại giao ở mức thấp.

Đặc biệt, việc chính phủ Israel từ chối xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đình chỉ mọi quan hệ với Israel. Tháng 9/2011, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ngừng mọi quan hệ ngoại giao, quân sự, công nghiệp quốc phòng và kinh tế với Israel. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường hỗ trợ chiến dịch của người Palestine nhằm giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và giúp Palestine giành được sự ủng hộ cao nhất trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc công nhận nhà nước Palestine độc lập.

Có thể nói, đó là thời điểm quan hệ giữa hai nước đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất. Trong lịch sử, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng hạ thấp quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 1981 nhằm phản đối việc Israel thôn tính Đông Jerusalem nhưng sau đó hai nước đã tái thiết lập quan hệ vào thập niên 1990 và ký một số thỏa thuận quân sự.

Trong khi đó, thái độ cương quyết đối đầu giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ căng thẳng hồi tháng 5/2010 đã khiến Mỹ không khỏi lo ngại bởi cả hai quốc gia này đều là đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Đối với Israel, trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ của nhà nước Do Thái hiện đại, quan hệ Mỹ - Israel hầu như luôn khăng khít. Mỹ luôn là quốc gia bảo trợ cho Israel mặc dù nhà nước Do Thái đã có không ít chính sách và hành động cứng rắn khiến khu vực Trung Đông thêm bất ổn.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cũng được đánh giá là ngày càng trở nên quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng Mùa xuân Arab tại Syria cũng như kế hoạch rút quân của Mỹ tại Iraq. Bởi Thổ Nhĩ Kỳ là nước đã đồng ý để Mỹ đặt hệ thống radar tối tân ở nước này nhằm giúp chống lại mối đe dọa mà Mỹ cho là đến từ Iran. Hơn nữa, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần có tuyên bố cứng rắn đối với Syria về trấn áp người biểu tình. Động thái này được xem là đứng về phía Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, sự rạn nứt quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch của Mỹ ở Trung Đông. Do đó, Mỹ đã rất tích cực xúc tiến những nỗ lực hàn gắn quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàn gắn quan hệ

Trong 3 năm qua, dưới sự thúc ép của Mỹ, hai nước đã thực hiện đàm phán nhằm nối lại quan hệ. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một số điều kiện để tiến tới bình thường hóa quan hệ như Israel phải xin lỗi và bồi thường cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Israel đã chấp thuận hai điều kiện trên. Tuy nhiên, điều kiện thứ ba là Israel phải dỡ bỏ phong tỏa Dải Gaza thì vẫn là trở ngại cho tiến trình đàm phán.

Quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện rõ rệt khi ngày 27/6 vừa qua, tại thủ đô Rome của Italy, các quan chức Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về các điều kiện bình thường hóa quan hệ song phương.

Một tuần sau khi Israel và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao, ngày 4/7, hai bên cũng đã đạt được một thỏa hiệp, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển hàng cứu trợ cho người dân Palestine thông qua cảng Ashdod của Israel thay vì chuyển trực tiếp tới Dải Gaza.

Ngoài ra, Israel phải cho phép các nước xây dựng một bệnh viện mới tại dải Gaza, một nhà máy điện và một nhà máy khử muối để cung cấp nước uống cho người dân trong khu vực. Viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đến dải Gaza sẽ được chuyển đến cảng Ashdod của Israel thay vì vận chuyển trực tiếp đến lãnh thổ của người Palestine. Israel cũng sẽ thành lập một quỹ bồi thường trị giá 20 triệu USD cho gia đình các nạn nhân.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ hạn chế hoạt động của phong trào Hamas và hành động chống lại Israel của lực lượng này từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Israel cũng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ trong việc yêu cầu Hamas bàn giao 4 công dân Israel, trong đó có hài cốt của 2 quân nhân và 2 dân thường được cho là đang bị giam giữ tại dải Gaza.

Sau 6 năm quan hệ ngoại giao bị gián đoạn, việc Israel và  Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất các thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước được xem là một bước tiến lớn trong việc giải quyết các bất đồng vốn tồn tại ở khu vực Trung Đông./.

Tấn Vũ (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực