Biểu tình lan rộng khiến thủ đô Washington ban hành lệnh giới nghiêm

Thứ hai, 01/06/2020 15:43
(ĐCSVN) - Ngày 31/5, Thị trưởng thủ đô Washington, Mỹ Muriel Bowser thông báo lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt tại thủ đô từ 23h cùng ngày tới 6h sáng 1/6 (theo giờ địa phương) trong bối cảnh thành phố đã phải trải qua đêm biểu tình thứ 3 liên tiếp sau vụ một người da màu không vũ khí đã tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ.
Biểu tình xảy ra tại thủ đô Washington D.C ngày 30/5. (Ảnh: Xinhua) 

Thị trưởng Muriel Bowser đưa ra thông báo trên Twitter đồng thời cũng cho biết đã điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ. Lệnh giới nghiêm được đưa ra sau khi liên tiếp xảy ra cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát bên ngoài Nhà Trắng.

Tuy các vụ biểu tình xảy ra tại thủ đô Washington được cho là ít nghiêm trọng hơn một số nơi khác, Cảnh sát trưởng Washington D.C Peter Newsham cho hay, đã có 11 sĩ quan cảnh sát bị thương sau khi trấn áp các vụ biểu tình và lực lượng cảnh sát cũng đã bắt giữ 17 người  vào tối ngày 30/5.

Trước đó, một video được phóng viên Samantha Schmidt của tờ Washington Post chia sẻ cho thấy, nhiều người tham gia biểu tình, trong đó có cả sinh viên và trẻ vị thành niên. Những người biểu tình hòa cùng đám đông diễu hành qua Đại lộ Georgia hướng về Quảng trường Lafayette gần Nhà Trắng. Người biểu tình thậm chí còn xô đổ các hàng rào an ninh, ném chai lọ và đụng độ với cảnh sát bên ngoài Nhà Trắng.

Tổng thống Donald Trump ngày 31/5 đã cáo buộc Thị trưởng Bowser từ chối cho phép sở cảnh sát thành phố hỗ trợ Cơ quan Mật vụ kiểm soát người biểu tình, đồng thời đe dọa sử dụng các biện pháp cứng rắn để kiềm chế người biểu tình.

(Video: The World Today) 

Hiện, các vụ biểu tình đang xảy ra khắp nước Mỹ từ tối 30/5, khiến gần 40 thành phố tại nước này phải áp đặt lệnh giới nghiêm sau vụ một công dân da màu không vũ khí có tên George Floyd, 46 tuổi đã tử vong tại bang Minnesota hôm 25/5 sau khi một cảnh sát da trắng có tên Derek Chauvin  bắt giữ. Trong đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội, cảnh sát Derek Chauvin đã ghì đầu gối lên cổ của Floyd khiến anh này lịm dần và không thể nói. Trước đó, Floyd đã van xin cảnh sát: “Làm ơn. Tôi không thở được”. Viên cảnh sát đã ghì cổ Floyd trong 8 phút. Sau đó không lâu, Floyd qua đời trong bệnh viện.

Bất bình vì cái chết của Floyd, nhiều người dân Mỹ đã ra đường biểu tình. Tuy nhiên, biểu tình kéo theo bạo lực khi người dân phóng hỏa, ném gạch, bắn súng hơi vào cảnh sát. Khoảng 5.000 binh lính thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã triển khai tới thủ đô Washington và 15 tiểu bang, trong khi 2.000 lính dự binh đang sẵn sàng cơ động. 3 tiểu bang Arizona, Texas và Virginia đã ban bố tình trạng khẩn cấp để tăng khả năng huy động nhân lực và trang bị nhằm giải quyết tình trạng bạo lực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cái chết của Floyd là một "thảm kịch", nhưng cho rằng các hành vi bạo lực quá khích là hành động của "những kẻ cướp bóc, vô chính phủ". "Chúng ta không thể và không được cho phép một nhóm nhỏ tội phạm cùng những kẻ phá hoại tàn phá các thành phố và gây lãng phí cho cộng đồng dân cư của chúng ta"… “Chính quyền sẽ ngăn chặn các vụ bạo lực đám đông này”, Tổng thống Donald Trump cho hay. Các nhà lãnh đạo địa phương cũng kêu gọi người dân cùng giải quyết tình trạng này theo cách thức mang tính chất xây dựng./.

 

 

 

Hoài Hà (Theo AFP, Washington Post)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực