Các nước châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ tư, 15/01/2020 16:09
(ĐCSVN) – Ngày 14/1, Ngoại trưởng ba nước Liên minh châu Âu gồm: Anh, Pháp, Đức (EU3) đã thông báo về việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng 3 nước nêu trên) và Iran.
leftcenterrightdel
Thông báo của các nước EU3 về việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran . (Ảnh cắt từ bản tin của NHK)

Động thái này được xem là có nguy cơ tiếp tục đẩy sâu bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào nguy cơ bị đổ vỡ, sau khi Tehran liên tục thực hiện những bước đi cắt giảm cam kết.

Trong tuyên bố chung phát đi cùng ngày, Ngoại trưởng các nước EU3 khẳng định họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc khởi động một cơ chế được quy định trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử (còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA). Cơ chế trên cho phép các nước tham gia ký kết thỏa thuận đối thoại cấp cao để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên không đạt được đồng thuận thì các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ được khôi phục trở lại, sau khi trải qua các thủ tục cần thiết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo quan điểm của Anh, Pháp, Đức thì đây là một bước đi nhằm duy trì bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử, với những biện pháp hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, lập luận trên lại không được Iran đón nhận, với lời cảnh báo do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đưa ra về việc nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ “đáp trả nghiêm túc trước bất kỳ biện pháp mang tính hủy diệt nào”. Ông Mousavi cho rằng, hành động mới nhất của các nước EU3 không phải là điều mới mẻ và trên thực tế cũng sẽ không dẫn tới sự tiến triển mới nào. Tuy nhiên, phát ngôn viên này cũng tuyên bố Iran sẽ ủng hộ mọi hành động thiện chí và nỗ lực xây dựng để cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Ngay trong ngày 14/1, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cũng bày tỏ quan ngại trước bước đi mới nhất của các nước EU3, đồng thời lên tiếng kêu gọi tất cả các bên ký kết bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 “không lãng phí bất cứ nỗ lực” nào nhằm duy trì văn kiện này. “Chúng tôi nhận thức rõ ràng về những gì đã xảy ra vào sáng ngày hôm nay, sau tuyên bố của ba nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức) và lời xác nhận của quan chức ngoại giao EU… Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên hợp tác và làm mọi điều có thể nhằm bảo toàn JCPOA” – ông Dujarric nói.

Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi Iran tiếp tục hợp tác với IAEA liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và thực thi mọi cam kết hạt nhân trong khuôn khổ JCPOA.

JCPOA được Iran và nhóm P5+1 ký năm 2015, đề cập tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran để đổi lấy những hạn chế trong chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, đến tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ D.Trump đã đơn phương rút khỏi bản JPCOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Iran. Đáp lại động thái trên của Mỹ, Iran đã nhiều lần vận dụng các điều khoản 26 và 36 trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử để từng bước thu hẹp các cam kết.

Mới đây nhất, vào ngày 5/1, Iran đã thông báo thực hiện bước đi thứ 5 và là bước cuối cùng cắt giảm các cam kết trong JCPOA. Sau thời điểm này, Iran không còn tuân thủ các giới hạn vận hành trong công nghiệp hạt nhân, gồm cả các yếu tố liên quan tới năng lực và mức độ làm giàu uranium, số nhiên liệu làm giàu cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Chính phủ Iran khẳng định, sau quyết định trên, Tehran sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân dựa trên nhu cầu về công nghệ. Tuy nhiên, thông báo cũng nêu rõ, Iran sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA như trước đây. Iran cũng sẵn sàng tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử nếu như các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này được gỡ bỏ và Iran có thể được hưởng những lợi ích mà JCPOA mang lại./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực