Cần tách biệt cuộc chiến chống dịch COVID-19 với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thứ tư, 11/03/2020 11:41
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres (An-tô-ni-ô Gu-tê-rết) ngày 10/3 cảnh báo rằng trong khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu có thể tạm thời làm giảm lượng khí thải gây ra sự ấm lên của toàn cầu, nhưng dịch COVID-19 sẽ không thể khiến tình trạng ô nhiễm kết thúc mà thậm chí còn khiến các nước sao nhãng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres. Ảnh: TTXVN 

Phát biểu tại Liên hợp quốc sau khi công bố báo cáo đánh giá của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về tình trạng ấm lên trên toàn cầu, TTK LHQ Antonio Guterres tuyên bố "Chúng ta không nên đánh giá quá cao tình trạng khí thải giảm trong một vài tháng vừa qua bởi chúng ta không thể chống lại sự biến đổi khí hậu bằng loại virus này|. Điều quan trọng là bên cạnh việc cần phải tập trung chống dịch, mọi người không nên lơ là mất cảnh giác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Gutteress nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 và vấn đề biến đổi khí hậu đều cần sự nỗ lực chung tay phối hợp của cộng đồng quốc tế song hai thách thức này hoàn toàn khác nhau. Đối với COVID-19, tất cả chúng ta đều mong đợi đó chỉ là căn bệnh tạm thời và tác động của nó cũng chỉ là tạm thời. Còn đối với biến đổi khí hậu thì đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua và sẽ song hành với con người trong nhiều thập kỷ, đòi hỏi cộng đồng cần phải có những hành động mang tính liên tục. Ông cảnh báo tình trạng nóng lên của Trái Đất vẫn đang tăng và kêu gọi các nước cần phải tiếp tục có những hàng động khẩn cấp.

Báo cáo vừa công bố của WMO chỉ ra rằng năm 2019 là năm nóng thứ hai được ghi nhận trong lịch sử và thập kỷ vừa qua cũng là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử loài người. Theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas (Pít-tơ-ri Ta-lát), Trái Đất sẽ tiếp tục ấm lên nếu như khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng. Ông Taalas cũng cho biết con người vừa trải qua một tháng ấm nhất trong lịch sử khi thời tiết trong mùa Đông ấm bất thường tại nhiều nơi trên thế giới. Một trong những nguyên nhân  là khói bụi và các chất gây ô nhiễm từ các đám cháy rừng tại Australia đã khiến lượng khí thải CO2 tăng đột biến. Điều này dẫn tới nguy cơ các khu vực ven biển và nhiều quần đảo đối mặt với lũ lụt cao hơn và các khu vực trũng thấp có khả năng bị nhấn chìm.

Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lương của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), ông Manuel Pulgar-Vidal (Ma-nu-en Pun-ga Vi-đan) hoàn toàn nhất trí với lời kêu gọi từ TTK LHQ cho rằng các nước cần có những hành động khẩn cấp và  nếu không hành động tức thời, thách thức giải quyết khủng hoảng khí hậu sẽ ngày càng khó khăn hơn./.

Thanh Hải/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực