Đại dịch COVID-19 tác động đến kinh tế Đức không nghiêm trọng như dự báo

Thứ tư, 23/09/2020 16:04
(ĐCSVN) – Ngày 22/9, Viện nghiên cứu kinh tế Đức Ifo cho biết, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này dường như không chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) như trong các dự báo trước đó.
Ifo cho rằng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. (Ảnh: dw.com) 

Theo Ifo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ suy giảm khoảng 5,2% trong năm nay, thấp hơn mức giảm 6,7% trong dự báo trước đó được cơ quan này đưa ra. 

Ifo nhận định, đại dịch COVID-19 được cho là sẽ không gây sụt giảm mạnh cho nền kinh tế Đức trong năm 2020 như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2008 - 2009 khi GDP nước này giảm tới 5,7%.

Nhà kinh tế trưởng Ifo Timo Wollmershaeuser cho biết: “Mức sụt giảm kinh tế trong quý II vừa qua và sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tích cực hơn so với những gì chúng ta mong đợi”.

Ifo dự báo kinh tế Đức sẽ tăng 5,1% trong năm 2021, giảm so với dự báo trước đó là 6,4%. Quá trình phục hồi sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi mức tăng trưởng đạt 1,7%. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng Đức và các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn cần thêm một năm nữa mới có thể bù đắp sự suy giảm này.

Cũng theo Ifo, do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, số lao động thất nghiệp tại Đức sẽ tăng từ mức 2,3 triệu người năm 2019 lên mức 2,7 triệu người trong năm 2020, sau đó sẽ giảm xuống 2,6 triệu người trong năm 2021 và 2,5 triệu người vào năm 2022. Như vậy, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng từ 5% trong năm 2019, lên 5,9% trong năm 2020. Tỷ lệ này sau đó sẽ giảm xuống 5,7% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022.

Ifo cũng cho biết, việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Đức được dựa trên tình hình đại dịch COVID-19, nguy cơ thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) không trật tự và các xung đột thương mại vẫn chưa được giải quyết.

Cũng theo Ifo, thặng dư cán cân thương mại Đức trong năm 2020 cũng giảm mạnh, từ 244 tỷ EUR  xuống còn 215,4 tỷ EUR do xuất khẩu giảm mạnh hơn nhập khẩu. Mức thặng dư sẽ tăng trở lại và đạt 276,2 tỷ EUR năm 2021 và khoảng 290,1 tỷ EUR vào năm 2022. Ngoài ra, thay vì đạt thặng dư như năm 2019 (với mức 52,5 tỷ EUR), ngân sách Đức sẽ bị thâm hụt 170,6 tỷ EUR trong năm nay, chủ yếu do các gói hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế được Chính phủ Đức đưa ra để ứng phó với đại dịch COVID-19. Theo Ifo, mức thâm hụt sẽ giảm xuống 86,9 tỷ EUR vào năm 2021 và 68,4 tỷ EUR vào năm 2022.

Tuy nhiên trước đó, số liệu Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố tháng 8 vừa qua cho biết, nền kinh tế nước này đã suy giảm kỷ lục ở mức 9,7% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra những tác động tiêu cực đến tiêu dùng, xuất khẩu cũng như đầu tư.

Cơ quan này đánh giá khủng hoảng kinh tế Đức ở thời điểm này còn trầm trọng hơn khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2008 – 2009. Đây cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất tại Đức kể từ năm 1970.  

Nền kinh tế Đức cũng đã giảm 2% trong quý I/2020. Ngoài ra, dữ liệu thống kê của Destatis cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường lao động Đức trong quý II/2020. Tổng số việc làm tại Đức cũng đã giảm 1,3% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Destatis, thâm hụt ngân sách của Đức trong 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 51,6 tỷ EUR, tương đương 3,2% GDP tính theo tiêu chuẩn Hiệp ước Maastricht của Liên minh châu Âu (EU)./.

Hoài Hà (Theo wsj.com, dw.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực