Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ

Thứ tư, 18/03/2020 15:02
(ĐCSVN) - Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra vẫn tiếp tục lan rộng khi xuất hiện tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu hiện vẫn là tâm dịch toàn cầu với số ca nhiễm mới tăng mạnh ở một số quốc gia như Italy, Pháp, Tây Ban Nha…

Tính đến sáng ngày 18/3, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tăng lên lần lượt 198.255 và 7.976, hàng nghìn ca nhiễm mới được báo cáo tại nhiều nước châu Âu.

Dịch Covid – 19 đã lan ra toàn bộ châu Âu khi Montenegro, nước cuối cùng của khu vực này công bố ghi nhận 2 ca nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 17/3. Bệnh nhân là 2 phụ nữ, 1 đến từ Mỹ và 1 đến từ Tây Ban Nha.

leftcenterrightdel
 Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Reuters)

Báo động các con số

Italy

Vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới. Giới chức y tế nước này ghi nhận có thêm 345 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 17/3, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên tới 2.503 người, cao nhất tại châu Âu.

Theo Cục Bảo vệ Dân sự Italy, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tính đến nay là 26.062 người, trong đó 2.989 ca mắc mới trong vòng 24h qua. Đây có thể coi là mức tăng mạnh nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.

Trước tình hình dịch bệnh đáng báo động, Chính phủ Italy hiện đã phong tỏa gần như toàn bộ các khu vực trên cả nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan. Lệnh phong tỏa được ký từ ngày 9/3 và có hiệu lực đến ngày 3/4.

Tây Ban Nha

Ghi nhận đã có 11.178 ca dương tính với Covid-19, trong đó 491 ca tử vong tính đến 17h ngày 17/3.

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong  vòng 15 ngày kể từ ngày 14/3, chính phủ Tây Ban Nha quyết định phong tỏa toàn quốc, cấm lưu thông trên đường. Thủ đô Madrid cũng siết chặt kiểm soát biên giới.

Hiện giới chức nước này đang đề nghị Trung Quốc hỗ trợ trang thiết bị y tế để ngăn chặn dịch bệnh. Trung Quốc hiện đang đi đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuần trước, Trung Quốc đã cử các chuyên gia và gửi thiết bị y tế hỗ trợ Italy.

Bên cạnh đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch cấp trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tạm thời nghỉ việc do dịch Covid-19. Dự thảo của chính phủ cũng dự kiến giảm giờ làm việc đối với nhân viên làm nhiệm vụ chăm sóc người khác. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez công bố gói biện pháp trị giá 200 tỉ EUR để giảm thiểu tác động của Covid-19 lên nền kinh tế.

Pháp

Giới chức Y tế nước này nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại quốc gia này đang “rất đáng lo ngại” và đang “xấu đi rất nhanh”.

Theo số liệu chính thức tính đến ngày 18/3, Pháp ghi nhận có thêm hơn 1.000 ca dương tính với Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này lên 7.730 trường hợp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học các cấp từ ngày 16/3, gọi Covid-19 là "thảm họa y tế lớn nhất tại Pháp trong một thế kỷ". Ông kêu gọi người dân hạn chế đi lại, làm việc tại nhà nhiều nhất có thể. Người trên 70 tuổi được khuyến cáo ở trong nhà.

Các hoạt động trên 1.000 người tham dự bị cấm cho tới hết ngày 15/4. Các sự kiến văn hóa, thể thao tại Pháp bị tạm hoãn vô thời hạn, trong đó có giải bóng đá vô địch quốc gia Pháp League 1.

Anh

 Tính đến sáng ngày 18/3, Bộ Y tế Anh công bố số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại nước này trong vòng 24h qua lên tới 407 trường hợp. Tính đến thời điểm hiện tại, Anh ghi nhận có 1.950 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 60 ca tử vong.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết sẽ hủy toàn bộ các ca phẫu thuật thông thường trong 3 tháng tới và cho xuất viện càng nhiều bệnh nhân càng tốt nhằm chuẩn bị giường bệnh và nhân viên y tế chống chọi với dịch Covid-19.

Châu Mĩ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo ghi nhận 4.675 ca dương tính với SARS-CoV-2. Số ca tử vong do Covid-19 tại nước này hiện đã là 75 người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Văn phòng Vệ binh Quốc gia Mỹ cùng ngày cho biết, khoảng 1.560 lính Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 22 bang để hỗ trợ đối phó với SARS-CoV-2, trong đó tập trung nhất tại bang New York.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhằm kiểm soát, hạn chế sự lây lan rộng của dịch bệnh, nhiều biện pháp đã được chính quyền Mỹ đưa ra như cấm tụ tập đông người, dừng các sự kiện, hoạt động văn hóa, đóng cửa các trường học và địa điểm du lịch.

Hiện SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại thủ đô Washington D.C và 50 bang, Quận Columbia và các cùng lãnh thổ của Mỹ là Puerto Rico, Guam, Virgin. Tình hình này đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch Covid-19 vào ngày 13/3, đồng thời giải phóng tới 50 tỷ USD cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ Mỹ triển khai phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cũng trong ngày 17/3, giới chức y tế nước này xác nhận đã có thử nghiệm lâm sàng đầu tiên để đánh giá tác dụng của một loại vaccine ngừa Covid-19 ở thành phố Seatles.

Tại nước láng giềng Canada, Thủ tướng Justin Trudeau rạng sáng 17/3 (theo giờ Việt Nam) tuyên bố  nước này sẽ đóng cửa toàn bộ các đường biên giới với công dân nước ngoài. Theo ông Trudeau, sẽ có những ngoại lệ dành cho các phi công, nhà ngoại giao và công dân Mỹ, mặc dù ngoại lệ này có thể thay đổi. Canada hiện ghi nhận 375 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và một bệnh nhân đã tử vong.

Châu Á

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo trong ngày 17/3,  Trung Quốc ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và 11 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc tính đến nay là 80.894 ca, với 3.237 ca tử vong. Cũng theo NHC, Trung Quốc ghi nhận thêm 922 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện trong ngày 17/3, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 69.601 người.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 18/3 cho biết trong ngày 17/3 nước này ghi nhận 93 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, theo đó tổng số ca nhiễm tại nước này tăng lên 8.413 ca. Số ca tử vong đã tăng 3 ca lên 84 ca, trong khi số ca hồi phục là 1.540 ca.

Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc ở mức dưới 100 ca. Trước đó, nước này ghi nhận 84 ca nhiễm mới trong ngày 16//3 và 74 ca ngày 15/3.

Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia đang trở thành "ổ dịch" khi nước này ghi nhận 673 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó 2 ca đã tử vong. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đóng cửa đất nước từ ngày 18/3 đến hết 31/3 để phòng ngừa dịch bệnh.

Trong khi đó, tính đến cuối ngày 17/3, Bộ Y tế Singapore ghi nhận thêm 23 ca nhiễm Covid-19 mới, cũng là số ca mới cao nhất trong một ngày được ghi nhận tại quốc đảo sư tử kể từ khi dịch bùng phát. Tính đến nay, Singapore ghi nhận có 266 ca mắc Covid-19.

Tính đến cuối giờ chiều 17/3, Indonesia ghi nhận 172 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 5 ca tử vong và 9 ca đã hồi phục. Dịch bệnh đã lây lan ra ít nhất 8/34 tỉnh thành trên cả nước.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo  khẳng định rằng việc áp dụng giải pháp phong tỏa không phải là việc làm của nước này hay bất kỳ địa phương nào trong số 34 tỉnh, thành trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Châu Phi

Đến nay, đã có hơn 20 quốc gia châu Phi ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 như Morocco, Tunisia, Egypt, Algeria, Senegal, Togo, Cameroon, Burkina Faso, Nam Phi. Tuy nhiên, các nước châu Phi đang chịu ít tác động của đại dịch này hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Hầu hết các trường hợp phát hiện dương tính với Covid-19 tại châu Phi đều là những công dân nước ngoài hoặc các trường hợp trở về nước sau khi đi du lịch ở nước ngoài.

Để ứng phó với đại dịch Covid-19, các nước châu Phi đã tăng cường các biện pháp mạnh nhằm hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người trong đó có lệnh đóng cửa các trường học trong vòng 2 tuần.

Thế giới chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo đại dịch Covid-19 “đang định hình cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu trong thời đại của chúng ta”. Tổ chức này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây dịch bệnh Covid-19.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 16/3, tổ chức này kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, khi đại dịch viêm phổi cấp Covid-19 đến nay đã lây lan sang 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, WHO ngày 16/3 cho biết họ đã chuyển gần 1,5 triệu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 120 quốc gia. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm virus và cứu sống bệnh nhân là phá vỡ chuỗi lây truyền, và để làm điều đó bạn phải xét nghiệm và cách ly. Chúng ta không thể bịt mắt chữa cháy, không thể ngăn chặn đại dịch này nếu chúng ta không biết ai bị nhiễm. Chúng tôi có một thông điệp đơn giản cho tất cả các quốc gia: xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm".

Ngày 17/3, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đã công bố nâng gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp lên 14 tỷ USD nhằm giúp các quốc gia và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh chóng.

Thông báo của WBG cho biết gói hỗ trợ này sẽ "cải thiện năng lực quốc gia ứng phó với các vấn đề y tế cộng cộng", bao gồm chính sách ngăn chặn dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị, đồng thời cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp và người lao động để giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với tài chính và kinh tế"./.

 

 

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực