Đại sứ Arab thống nhất tại Mỹ kêu gọi Washington di dời căn cứ không quân tại Qatar

Thứ tư, 14/06/2017 17:37
(ĐCSVN) - Ngày 13/6, Đại sứ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef al-Otaiba kêu gọi Washington xem xét tới việc bố trí lại căn cứ không quân của nước này tại Qatar và gây sức ép lên chính quyền Doha trước những cáo buộc hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố.

Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba. (Ảnh: AFP)

Trong tuyên bố cùng ngày, ông al-Otaiba cho biết, UAE sẽ đưa ra một danh sách những yêu cầu đối với Qatar để có thể bình thường hóa các mối quan hệ. Cụ thể, danh sách các yêu cầu đối với Qatar sẽ xoay quanh 3 cáo buộc mà chính quyền Doha đang phải đối mặt, gồm: Hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để công kích các nước láng giềng.

Đại diện ngoại giao trên tin tưởng rằng, tình hình tại khu vực sẽ không leo thang thành một cuộc xung đột về quân sự ngay cả khi Doha từ chối thực hiện những yêu cầu đối với nước này. Tuy nhiên, ông al-Otaiba cảnh báo Qatar sẽ phải đối mặt với một tình huống gia tăng sức ép về kinh tế trừ khi thay đổi lối hành xử.

Theo quan điểm của quan chức ngoại giao này thì việc Mỹ duy trì căn cứ không quân al-Udeid tại Qatar có thể là một lý do khiến cho Washington không có động thái gì nhằm gây sức ép lên chính quyền Doha trong bối cảnh hiện nay. Hiện al-Udeid đang là nơi đồn trú của khoảng 10.000 binh sỹ Mỹ và là trung tâm điều phối các cuộc không kích của Mỹ ở Syria, Iraq và Afghanistan. Ông al-Otaiba cho rằng, Mỹ có thể di dời căn cứ al-Udeid sang UAE do nước này có thể đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng theo một thỏa thuận được mới được ký kết giữa Washington và Abu Dhabi.

Một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng đã bùng phát tại khu vực Trung Đông vào tuần trước, sau khi Ả rập Xê út, UAE, Bahrain và Ai Cập…tuyên bố cắt đứt các mối quan hệ bang giao với Qatar trước cáo buộc chính quyền Doha đã hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và thúc đẩy chính sách nhằm gây bất ổn trong khu vực - điều mà Qatar luôn mạnh mẽ bác bỏ. Ngay sau đó, lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực đã theo đuổi các nỗ lực ngoại giao con thoi để xoa dịu tình hình song vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể./.

Thu Lan (Theo PressTV, AP/ABCNews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực