EU kêu gọi hợp tác toàn cầu mua vắc xin phòng, chống dịch COVID-19

Thứ năm, 18/06/2020 19:39
(ĐCSVN) – Ngày 17/6, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hợp tác để mua trước một lượng lớn các loại vắc xin có tác dụng phòng ngừa virus SARS-CoV-2, nhằm tránh “sự cạnh tranh có hại” trong cuộc đua giành vắc xin và đảm bảo có sẵn vắc xin cho các nước nghèo trong tương lai.
 Công ty AstraZeneca (Anh), Sanofi (Pháp), và Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson và Moderna (Mỹ) hiện đang thử nghiệm các loại vắc xin phòng chống virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Reuters)

EC lo ngại rằng, sự cạnh tranh có thể làm tăng giá các loại vắc xin cho tất cả mọi người, và cũng khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là quốc gia nghèo phải vật lộn để có được nguồn cung. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen kêu gọi các nước giàu sẵn sàng chia sẻ với các nước láng giềng nghèo hơn mọi vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 sẽ được bào chế trong tương lai.

Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen cho biết hiện bà đang thuyết phục “một số lượng đáng kể” các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác và cùng nhau mua trước các loại vắc xin phòng ngừa COVID-19.

Bà Leyen kêu gọi các nước có thu nhập cao nên hành động như một nhóm mua chung, qua đó dự trữ đủ vắc xin cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Hiện một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nghiên cứu các sáng kiến phát triển vắc xin đầy triển vọng của chính mình, cũng như đang thảo luận với các công ty dược phẩm nhằm đảo bảo có đủ vắc xin cho 27 quốc gia thành viên EU và các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia nghèo tại châu Phi.

Trước đó, ngày 13/6, nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca Plc (Anh) cho biết đã ký hợp đồng với các chính phủ EU để cung cấp vắc xin tiềm năng hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nhằm chống dịch COVID-19. Đây là hợp đồng đầu tiên được ký kết bởi Liên minh vắc xin châu Âu (IVA) do Pháp, Đức, Italy và Hà Lan thành lập để bảo đảm cung cấp vắc xin cho tất cả các quốc gia thành viên sớm nhất có thể.

EC sẽ sử dụng quỹ khẩn cấp khoảng 2,4 tỷ EUR (tương đương 2,7 tỷ USD) để thương lượng mua trước các loại vắc xin này. Động thái này đã được thảo luận tại cuộc họp các đại sứ EU vào ngày 3/6 vừa qua, sau khi IVA cho biết đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các công ty dược phẩm để có thể tiếp cận với các loại vắc xin phòng ngừa COVID-19 hiện đang được bào chế.

EU sẽ đứng ra thương lượng mua trước 6 loại vắc xin tiềm năng trước khi được bào chế, bất chấp nguy cơ có thể thất bại trong thử nghiệm lâm sàng. Đổi lại, EU sẽ được quyền tiếp cận ưu tiên với những lô vắc xin đầu tiên xuất xưởng. Việc chấp nhận rủi ro được xem là chiến lược của EU trong cuộc chạy đua sở hữu vắc xin. Mức dự toán EU dành cho kế hoạch này vượt xa con số 1,2 tỷ USD mà Mỹ đã ký với công ty AstraZeneca hồi tháng trước nhằm bảo đảm có được 300 triệu liều vắc xin.

Theo các chuyên gia y tế, việc nhiều quốc gia gấp rút đầu tư để bảo đảm nguồn cung vắc xin cho người dân vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Các công ty AstraZeneca, Sanofi (Pháp), và Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson and Moderna (Mỹ) hiện đang thử nghiệm các loại vắc xin phòng chống virus SARS-CoV-2.

Đại dịch COVID-19 hiện đã khiến hơn 8,4 triệu người trên thế giới mắc bệnh, trong đó hơn 451.000 ca tử vong. Châu Âu hiện vẫn là “ổ dịch” lớn nhất thế giới. Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 18/6, châu lục này đã có hơn 2,2 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và gần 185.000 ca tử vong vì dịch bênh./.

Hoài Hà (Theo Reuters, aljazeera.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực