Gần 92 vạn người trên thế giới đã tử vong vì COVID-19

Thứ bảy, 12/09/2020 06:46
(ĐCSVN) – Đến sáng 12/9, thế giới có tổng số 28.631.263 ca nhiễm và 918.671 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 293.968 và 5.381 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
leftcenterrightdel
 Anh áp dụng hạn chế di chuyển mới trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức cao nhất châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 12/9, đã có 20.553.786 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 7.158.806 ca bệnh đang điều trị, có 7.097.811 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 60.995 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm tới 97.654 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (43.325 ca) và Brazil (42.401 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong 1 ngày qua với 1.202 ca, sau đó là Mỹ (996 ca) và Brazil (821 ca).

Bắc Mỹ tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 52.776 ca nhiễm COVID-19 và 1.614 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 7.887.997 và 287.292 ca. Với 6.632.972 ca nhiễm và 197.323 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 652.364 và 135.383 ca nhiễm, cùng 69.649 và 9.163 ca tử vong vì COVID-19.

Với 8.356.190 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 12/9, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 160.765 ca đã tử vong do COVID-19 và 6.738.230 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Iran và Bangladesh với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 4.657.379; 397.801 và 334.762 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 77.506; 22.913 và 4.668 ca. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tỷ lệ mắc COVID-19 tại nước này đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 64.111 ca nhiễm và 1.424 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 6.998.944 ca và 225.396 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 42.401 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 4.282.164 vào thời điểm hiện tại. Với 821 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 243 ca tử vong mới, trong khi Peru – quốc gia có số ca nhiễm và tử vong nhiều thứ 2 khu vực (710.067 và 30.344 ca) lại không ghi nhận thêm ca mắc và tử vong mới nào. Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo các nước khu vực Mỹ Latinh đang tìm cách giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Riêng ngành du lịch của khu vực này ước tính thiệt hại khoảng 230 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng của việc đóng cửa biên giới và hoạt động du lịch trên toàn cầu giảm mạnh.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 4.012.607 ca, trong đó có 211.968 ca tử vong và 2.224.339 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 40.517 ca nhiễm và 407 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Tây Ban Nha và Pháp là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 1.051.874; 576.697 và 363.350 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 41.614 ca, sau khi có thêm 6 ca trong 24 giờ qua. Một nghiên cứu của trường Đại học Hoàng gia Anh, công bố ngày 11/9, cho thấy tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang gia tăng trên khắp các khu vực của nước này, với số ca nhiễm tăng gấp đôi mỗi tuần. Theo nghiên cứu này, tỷ lệ lây nhiễm đang tăng trong tất cả các nhóm tuổi, ngoại trừ nhóm người trên 65 tuổi, và các ca nhiễm không chỉ liên quan đến những ổ dịch tại bệnh viện hay nhà dưỡng lão như những tháng trước.

Tính đến sáng 12/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.345.024 ca, trong đó có 32.407 ca tử vong và 1.080.038 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 646.398 ca nhiễm và 15.378 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.960 ca nhiễm mới và 113 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Ai Cập và Morocco, với tổng số lần lượt 100.708 và 822.197 ca nhiễm bệnh cùng 5.607 và 1.524 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 29.780 ca nhiễm (tăng 53 ca) và 828 ca tử vong (tăng 9 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 52 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 26.565 ca, trong đó 797 ca tử vong (tăng 9 ca).

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, Bộ Y tế Nga vừa cho biết lô vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V (Gam-Covid-Vac) đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh học Quốc gia Gamalei phát triển, đã được gửi đến các khu vực của nước này và sẽ tổ chức tiêm phòng bệnh COVID-19 cho những công dân có nguy cơ mắc bệnh cao.

Trước đó, ngày 11/8, Nga là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa COVID-19 mang tên Sputnik V. Vaccine được phát triển bởi Trung tâm Gamalei dựa trên công nghệ vector virus. Theo Bộ Y tế Nga, kinh nghiệm sử dụng các loại vaccine này cho thấy chúng có khả năng miễn dịch lâu dài lên đến 2 năm./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực