Hội đồng Bảo an LHQ sắp thảo luận về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ

Thứ hai, 03/02/2020 15:47
(ĐCSVN) – Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang lên kế hoạch triệu tập một phiên họp vào ngày 10/2 tới để thảo luận về bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây nhiều tranh cãi do Mỹ vừa đề xuất.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: socialnews.xyz)

Ngày 2/2, báo chí nước ngoài dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết: Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Danny Danon sẽ cùng tham dự phiên họp dự kiến diễn ra vào đầu tuần tới. Hiện phái đoàn Palestine được cho là đang chuẩn bị đưa ra một bản nghị quyết lên án bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây nhiều tranh cãi, ngay cả khi phải đối mặt với nguy cơ bị một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ phủ quyết.             

Trong bối cảnh trên, phái đoàn Israel tại Liên hợp quốc vào cuối tuần trước đã xác nhận việc ông Danon đang tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với các đối tác tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để kêu gọi sự ủng hộ đối với kế hoạch hành động chung Mỹ-Israel nhằm “ngăn chặn những lập trường hậu thuẫn các tuyên bố phản đối từ phía Palestine”.

Ngày 28/1, Tổng thống Mỹ D.Trump đã công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông dài 80 trang, trước kỳ vọng sẽ dẫn tới một “thỏa thuận thế kỷ” giúp hóa giải mối thâm thù kéo dài hơn 7 thập niên giữa người Israel và Palestine. Điểm mấu chốt trong kế hoạch này là giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine. Trong đó, Mỹ đề xuất thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô "không thể tách rời của Israel".

Phát biểu tại buổi công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông tại Nhà Trắng trước sự hiện diện của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống D.Trump tin tưởng rằng, bản kế hoạch này đã gợi mở một “giải pháp thực tế về hai nhà nước” cho cả Israel và Palestine.

Tuy nhiên, trái với sự lạc quan của người đứng đầu Nhà Trắng, phần lớn các nhà quan sát lại có cái nhìn hoài nghi về triển vọng thành công của bản kế hoạch, bởi nó cho thấy sự ủng hộ rõ ràng đối với Israel, trong khi lại áp đặt những điều kiện hà khắc đối với việc thành lập Nhà nước Palestine trong tương lai.

Trong một phản ứng liên quan tới vấn đề này, vào tuần trước, một phát ngôn viên của Liên hợp quốc đã khẳng định rõ ràng rằng, tổ chức này đã xác định lập trường về giải pháp 2 nhà nước cho Israel và Palestine từ nhiều năm qua, thông qua các bản nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Phát ngôn viên này tuyên bố, Liên hợp quốc duy trì cam kết ủng hộ người Palestine và Israel giải quyết xung đột dựa trên nền tảng các bản nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế cùng các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được, nhằm hiện thực hóa triển vọng xây dựng hai nhà nước cùng chung sống trong hòa bình và an ninh, trong phạm vi các đường biên giới được thiết lập trước năm 1967.

Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc, Quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cũng tỏ ra tự tin rằng, bản kế hoạch hòa bình của Tổng thống D.Trump vốn được ông xem là một âm mưu nhằm xóa bỏ quyền dân tộc của người Palestine sẽ “đổ bể”.

Trong một phiên họp khẩn diễn ra tại trụ sở Liên đoàn Ả rập (AL) tại Cairo (Ai Cập) vào cuối tuần trước, ngoại trưởng các nước Ả rập đã đồng loạt tỏ rõ quan điểm tẩy chay và khẳng định sẽ “bất hợp tác” trước bản kế hoạch hòa bình Trung Đông do Mỹ vừa công bố. Tại sự kiện ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố cắt đứt mọi mối liên hệ với Mỹ và Israel, gồm cả hợp tác an ninh sau khi Mỹ công bố bản kế hoạch hòa bình Trung Đông gây nhiều tranh cãi, với các điều khoản được cho là dành nhiều “ưu ái” cho Israel.

Về phía Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit cũng bày tỏ quan điểm rằng, kế hoạch hòa bình của Mỹ chẳng khác nào việc tạo ra một hệ thống phân biệt chủng tộc và khiến người Palestine trở thành “những công dân hạng hai”.

Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo các nước Ả rập cũng bác bỏ kế hoạch hòa bình của ông D.Trump vì cho rằng bản kế hoạch đã không đáp ứng được những “quyền lợi và nguyện vọng tối thiểu của người Palestine”. Các nhà lãnh đạo này tỏ rõ sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước với đường biên giới được thiết lập trước cuộc chiến kéo dài 6 ngày vào năm 1967./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực