Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba - Gặp gỡ của tinh thần thiện chí

Thứ sáu, 21/09/2018 10:56
(ĐCSVN) - Trong hai ngày 18 và 19/9/2018, tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, với 3 nội dung lớn là: Cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều, thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều nhằm phi hạt nhân hóa và giảm nhẹ căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Cuộc gặp nồng ấm và thiện chí

Cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được xem là "thời khắc lịch sử" khi sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên tiếp đón một nhà lãnh đạo nước ngoài tại Trụ sở Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Và với việc ra Tuyên bố chung Tháng 9, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tạo ra một trang sử mới trong quan hệ liên Triều.

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên  (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc hội đàm đầu tiên tại Trụ sở Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ xúc động trước sự chào đón nồng ấm từ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng cũng như sự chào đón nồng nhiệt của người dân Bình Nhưỡng. Ông tin rằng hội nghị thượng đỉnh tại làng đình chiến Panmunjom vào tháng 5 vừa qua đã dẫn đến hội nghị mùa thu tại Bình Nhưỡng lần này và đây là thời điểm để hai bên thực sự đạt được tiến triển.

Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, ông cảm thấy gần gũi hơn với Tổng thống Moon Jae-in, đồng thời cảm ơn nhà lãnh đạo Hàn Quốc về những kết quả tốt đẹp vừa qua. Theo ông Kim Jong-un, quan hệ liên Triều và quan hệ Mỹ-Triều hiện đã được cải thiện và chính Tổng thống Moon Jae-in là người đã giúp mở ra cuộc đối thoại Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử. Nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh nỗ lực hướng tới hòa bình và hòa giải. Ông Kim Jong-un cho rằng, hai bên cần ghi nhớ nguyện vọng của người dân hai miền Triều Tiên, làm việc nhanh hơn và đạt được hiệu quả lớn hơn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng bày tỏ hy vọng đạt tiến triển trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, đồng thời đánh giá đây là biện pháp giúp ổn định khu vực.

Kết thúc cuộc hội đàm đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã dự tiệc tối chung và cùng nhau xem trình diễn nghệ thuật.

Trong ngày hội đàm thứ hai tại nhà khách quốc gia Paekhwawo, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục thảo luận về vấn đề cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều và thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều nhằm được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Sau hai ngày làm việc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung Tháng 9.

Tại cuộc họp thông báo kết quả hội nghị, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định “Tuyên bố Panmunjom” đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tháng 4/2018, đã đặt nền tảng cho một kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Tuyên bố chung Tháng 9 sẽ góp phần cải thiện hơn nữa quan hệ liên Triều, đề ra mục tiêu cụ thể về phi hạt nhân hóa, đưa hai miền tiến gần hơn tới hòa bình và thịnh vượng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên thừa nhận con đường phía trước không phải lúc nào cũng bằng phẳng, song hai bên sẽ cùng nhau vượt qua mọi rào cản. Ông cũng cho biết sẽ lên kế hoạch đến thăm Seoul, có thể ngay trong năm nay. Nếu sự kiện này diễn ra sẽ đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thủ đô Hàn Quốc.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí biến vùng biên giới liên Triều thành khu vực hòa bình, theo đó Bình Nhưỡng và Seoul sẽ rút 11 trạm biên phòng của mỗi bên trước cuối năm nay, nhằm giảm các hành động thù địch. Hai bên sẽ thiết lập một vùng đệm gần đường ranh giới quân sự chia cắt hai miền trên Hoàng Hải cũng như trên bộ để ngừng các cuộc diễn tập pháo binh, hải quân. Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ lập vùng cấm bay tại khu vực biên giới nhằm tránh các vụ tai nạn, va chạm đáng tiếc. Các cuộc tập trận gần đường ranh giới quân sự liên Triều sẽ chấm dứt từ ngày 1/11 tới, đồng thời triển khai việc dỡ bỏ các bãi mìn.

Triều Tiên và Hàn Quốc cũng lần đầu tiên xúc tiến nỗ lực chung nhằm tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trong Chiến tranh Triều Tiên tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) và lập một khu vực thử nghiệm đánh bắt cá chung trên khu vực biên giới biển phía Tây.

Hai bên cam kết chấm dứt các mối đe dọa có thể leo thang thành chiến tranh, nhất trí về cách thức cụ thể để đạt được phi hạt nhân hóa toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đặc biệt nhấn mạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lần đầu tiên nhất trí về phương thức phi hạt nhân hóa và đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới các bãi thử tên lửa của nước này. Bình Nhưỡng đồng ý đóng cửa cơ sở hạt nhân chủ chốt Yongbyon và bãi phóng thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri tại Triều Tiên dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, nếu Mỹ có bước đi phù hợp.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí loại trừ mọi mối đe dọa chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và tuyên bố đồng vận động đăng cai Thế vận hội mùa Hè năm 2032.

Về phương diện kinh tế, hai miền Triều Tiên có thể nối lại các tour du lịch tới khu nghỉ dưỡng núi Kumgang và mở lại khu công nghiệp chung Kaesong một khi các điều kiện cho phép. Hai bên cũng sẽ sớm mở cơ sở chung phục vụ các hoạt động đoàn tụ những gia đình ly tán bởi chiến tranh. Hàn Quốc và Triều Tiên đồng ý triển khai sớm chương trình thúc đẩy giao thông đường sắt và đường bộ qua biên giới.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại Nhà khách quốc gia Paekhwawon sau lễ ký tuyên bố chung, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, hai bên đã nhất trí đưa quan hệ hai miền Triều Tiên lên tầm cao mới.

Tinh thần thiện chí viết lên trang sử mới

Hàng loạt diễn biến tích cực trên Bán đảo Triều Tiên kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 27/4 vừa qua giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã và đang tạo môi trường thuận lợi khiến cơ hội giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên mở ra hy vọng. Nỗ lực và thiện chí từ cả Hàn Quốc và Triều Tiên phần nào đã được thể hiện. Không chỉ một cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 mang tính đột phá là “mở đường” mà suốt hơn 4 tháng qua, có thể nói, hai bên đều cố gắng hiện thực hóa từng bước những cam kết mà Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được trong Tuyên bố Panmunjom, trên tinh thần đối thoại xây dựng và chân thành.

Kết quả đáng ghi nhận nhất của việc thực hiện Tuyên bố Panmunjom chính là quan hệ liên Triều đang được cải thiện một cách khá bền vững. Hai miền Triều Tiên tiến hành thường xuyên các cuộc đàm phán, kể cả cấp cao nhất. Sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4, lãnh đạo hai miền đã có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai ngày 26/5 tại Panmunjom. Và cuộc gặp lần thứ ba vừa diễn ra tại Bình Nhưỡng có thể coi là bước đi phản ánh một cách logic xu thế hòa giải ngày càng rõ nét này.

Một trong những sự kiện mang tính biểu tượng cao cho mối quan hệ đang dần nồng ấm trở lại giữa hai miền Triều Tiên, là hai đợt đoàn tụ các gia đình ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, được tổ chức cuối tháng 8 sau 3 năm gián đoạn. Đây có thể coi là sự tiếp nối những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ý nghĩa của cuộc đoàn tụ lần thứ 21 này không chỉ là việc thực hiện một trong những thỏa thuận chủ chốt của Tuyên bố Panmunjom, mà còn thể hiện khát vọng hòa bình, hòa hợp giữa hai miền. Hàng loạt dự án hợp tác kinh tế và giao lưu xã hội đang được cả hai miền thúc đẩy cũng góp phần tạo điều kiện hướng tới mục tiêu hòa bình và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, quan hệ liên Triều cũng được củng cố bằng nỗ lực xây dựng lòng tin từ cả hai bên. Việc Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 của nước này, hay phá hủy một số cơ sở phóng tên lửa, cũng như việc Hàn Quốc hủy một loạt cuộc tập trận chung thường niên với Mỹ, ngừng xây dựng các căn cứ quân sự sát biên giới Triều Tiên... cho thấy sự cải thiện đáng kể trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba, hai miền Triều Tiên đã khai trương Văn phòng liên lạc chung tại thành phố Keasong, khởi đầu cho kênh liên lạc 24/24 được đánh giá như "cái nôi tạo nên thịnh vượng chung" trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cũng đã thông qua kế hoạch cấp khoảng 122,8 tỷ won (109,5 tỷ USD) bồi thường cho các công ty chịu thiệt hại vì những biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế trao đổi thương mại với Triều Tiên.

Để thể hiện thiện chí, Bình Nhưỡng cũng đã trịnh trọng dành một phần riêng trong chương trình kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên để giới thiệu về tuyên bố chung cũng như những hình ảnh về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hai miền diễn ra hồi tháng 4. Đặc biệt, trong lễ kỷ niệm, Triều Tiên chỉ diễu binh với những vũ khí truyền thống.

Mặc dù vậy, tình trạng bế tắc trong tiến trình thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng đã tạo ra nhiều trở ngại. Thế bế tắc này bắt nguồn từ những bất đồng trong các bước đi tiếp theo của tiến trình phi hạt nhân hóa sau thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 ở Singapore. Mỹ muốn Triều Tiên công khai chi tiết chương trình hạt nhân, trong khi Triều Tiên muốn Mỹ chấp nhận ký tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên trước. Hai nước dường như không thể tiếp tục thực hiện các động thái tiếp theo. Việc Tổng thống Mỹ Trump hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng hồi tháng 8 với lý do không có tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, đồng thời tiếp tục siết chặt trừng phạt Triều Tiên đã cho thấy “dấu hiệu xấu” có thể khiến những cam kết về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đi lệch hướng. Mặc dù những động thái từ phía Mỹ được các nhà phân tích nhận định là một phần toan tính của Tổng thống Trump nhằm gây sức ép với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân, nhưng điều này cũng cho thấy giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn thiếu lòng tin chiến lược.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc một lần nữa không để các nỗ lực ngoại giao trong thời gian qua bị đổ vỡ do sự bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên. Hàng loạt cuộc tiếp xúc ngoại giao con thoi giữa các đặc phái viên của  Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với các quan chức của cả Mỹ và Triều Tiên đã thu được các kết quả rất tích cực như ấn định được thời gian diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba; phần nào thuyết phục được phía Mỹ về việc ký tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sẽ không làm suy yếu liên minh Hàn - Mỹ và Mỹ không phải rút quân khỏi Hàn Quốc - một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Bắc Á - điều mà Mỹ rất lo ngại không chỉ vì Triều Tiên mà còn vì một số nguyên nhân sâu xa khác. Đây là một trong những vấn đề gây vướng mắc cần được tháo gỡ, bởi Triều Tiên muốn Mỹ chấp nhận ký tuyên bố chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên trước để bảo đảm an ninh của Bình Nhưỡng không bị đe dọa, còn phía Mỹ thì muốn Triều Tiên công khai chi tiết chương trình hạt nhân cũng như muốn tiếp tục hiện diện quân sự ở Hàn Quốc. Có thể khẳng định rằng Hàn Quốc đã làm tốt vai trò “cầu nối” để giữ Triều Tiên không lệch hướng khỏi vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và xóa bỏ sự nghi ngại của Mỹ.

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tạo bất ngờ lớn khi cùng phu nhân là bà Ri Sol-ju ra tận sân bay đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tô đậm ý nghĩa của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba. Và những cam kết đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này đã cho thấy sự tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như là cơ hội quan trọng để tăng cường hơn nữa sự phát triển, tạo nên trang sử mới trong quan hệ liên Triều, đồng thời tạo ra đòn bẩy đưa quan điểm của Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn./.

Tấn Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực