Khẩn cấp hành động để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với trẻ em

Thứ tư, 24/06/2020 15:35
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi chính phủ các quốc gia Nam Á hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ hàng triệu hộ gia đình rơi trở lại cảnh nghèo, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đảo ngược các thành quả trong y tế, giáo dục, cũng như các tiến bộ khác dành cho cho trẻ em trong hàng chục năm qua.
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là trẻ em trong các gia đình nghèo đói. (Nguồn: DNA) 

UNICEF đưa ra kêu gọi trên trong một báo cáo mới công bố ngày 23/6. Báo cáo nhấn mạnh những hậu quả trước mắt và lâu dài mà đại dịch COVID-19 cũng như các biện pháp phong tỏa gây ra đối với 600 triệu trẻ em Nam Á. Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á Jean Gough (Din Gót) nhận định hệ lụy của đại dịch ảnh hưởng đến trẻ em trên khắp Nam Á theo nhiều cách. Nếu các chính phủ không khẩn cấp hành động, dịch COVID-19 có thể hủy hoại tương lai của một thế hệ.

Theo báo cáo trên, chương trình tiêm chủng, dinh dưỡng và các dịch vụ y tế quan trọng khác đã bị gián đoạn, đe dọa tính mạng của 459.000 trẻ em và bà mẹ ở Nam Á trong 6 tháng tới. Cùng với đó là tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Theo khảo sát của UNICEF ở Sri Lanka, 30% số hộ gia đình ở nước này đã phải cắt giảm khẩu phần ăn, trong khi ở Bangladesh, một số gia đình nghèo cùng cực không đủ ăn. Các dự báo cho thấy trong 6 tháng tới, có tới 120 triệu trẻ em rơi vào cảnh nghèo đói và mất an ninh lương thực, cùng với 240 triệu trẻ em trong diện nghèo. Ngoài ra, hơn 430 triệu trẻ em phải học trực tuyến do các trường học đóng cửa vì dịch COVID-19, trong khi nhiều hộ gia đình, đặc biệt ở khu vực nông thôn, không có điều kiện theo học do không có điện và Internet. Thực tế này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng số trẻ em thất học, cùng với gần 32 triệu trẻ em đã bỏ học từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong khi đó, đường dây nóng ở nhiều nước Nam Á liên tiếp ghi nhận các cuộc gọi thông báo các vụ trẻ em bị bạo hành và lạm dụng trong thời gian nghỉ dịch ở nhà. Không ít trẻ em đang phải đối mặt với chứng trầm cảm.

Theo UNICEF, các chính phủ cần nối lại chương trình tiêm phòng sởi, bại liệt và các bệnh khác. Các trường học nên mở lại càng sớm càng tốt, cung cấp đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay cũng như các biện pháp phòng ngừa khác. Để giảm thiểu tác động đối với các hộ gia đình nghèo, UNICEF khuyến cáo các chính phủ nhanh chóng tập trung nguồn lực vào các chương trình bảo trợ xã hội, như chương trình trợ cấp trẻ em khẩn cấp và chương trình khuyến học./.

Phan An/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực