Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ lan rộng xung đột tại Libya

Thứ sáu, 19/04/2019 19:28
(ĐCSVN) – Liên hợp quốc vừa cảnh báo về nguy cơ lan rộng xung đột tại Libya trong bối cảnh lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar đang tăng cường chiến dịch chiếm thủ đô Tripoli khỏi sự kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.

Liên hợp quốc và EU kêu gọi khẩn cấp chấm dứt chiến sự tại Libya

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya – ông Ghassan Salame. (Ảnh: Reuters)


Ngày 18/4, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya – ông Ghassan Salame nêu rõ, sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế về tình hình Libya đã thôi thúc người đứng đầu LNA phát động chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ tại Tripoli.

Quan chức ngoại giao của Liên hợp quốc nhận định, các cuộc giao tranh tại khu vực phía Nam thủ đô Tripoli giữa lực lượng của tướng Haftar và GNA đã bị đẩy vào tình thế “bế tắc về quân sự”.

Những thông tin trên được ông Salame đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thất bại trong việc tìm kiếm tiếng nói chung để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Libya sau các vòng đàm phán mới về một bản dự thảo nghị quyết yêu cầu thiết lập một lệnh ngừng bắn tại Tripoli.

Trong khuôn khổ phiên họp của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc, ngày 17/4, nước đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Đức đã đề xuất bản dự thảo về tình hình Libya. Tuy nhiên, ý tưởng kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn ở Tripoli đã bị Nga và Nam Phi bác bỏ trước lập luận rằng, các đợt tấn công do lực lượng của tướng Haftar thực hiện không có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này. Hãng thông tấn Pháp AFP cho biết, trước bối cảnh trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ sớm nhóm họp để nghe báo cáo vắn tắt về tình hình trên thực địa và tham mưu ý kiến về các bước đi tiếp theo về tình hình Libya.

Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya đã gặp rất nhiều trở ngại trong việc thực hiện tiến trình chuyển giao dân chủ trong bối cảnh an ninh bất ổn. Đất nước Libya đang bị xé làm đôi dưới sự kiểm soát của hai chính phủ đối lập là GNA được quốc tế công nhận do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và chính quyền ở miền Đông do tướng Haftar đứng đầu LNA ủng hộ. 

Các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân đội của GNA và lực lượng LNA dưới sự chỉ huy của tướng Khalifa Haftar đã leo thang căng thẳng sau khi phe đối lập phát động một chiến dịch tấn công quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ ngày 4/4, trong một động thái bị Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ.

Quang cảnh quận Abu Salim tại thủ đô Tripoli ngày 17/4, sau một đêm hứng chịu nhiều
vụ nã pháo nhằm vào khu dân cư. (Ảnh: Reuters)

Ngày 18/4, Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore và Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về trẻ em và xung đột vũ trang Virginia Gamba đã ra tuyên bố chung cho biết, bạo lực tại khu vực phía Tây Libya trong bối cảnh chiến sự leo thang tại thủ đô Tripoli đã ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 500.000 trẻ em.

Trong số đó, có gần 1.800 trẻ em cần được sơ tán khẩn cấp khỏi các vùng chiến sự; 7.300 trẻ em khác đã phải từ bỏ nhà cửa do bạo lực leo thang. “Trẻ em bị mắc kẹt tại các khu vực xung đột đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt lương thực và không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế. Không thể chạy thoát khỏi vùng chiến sự, những đứa trẻ này không thể tìm kiếm sự bảo vệ hay hỗ trợ một cách an toàn” – tuyên bố chung trên nêu rõ.

Hai đại diện Liên hợp quốc cho biết, bạo lực đã khiến gần 1.000 trẻ em tị nạn và trẻ em di cư tại các trung tâm giam giữ phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Chiến sự cũng trở thành nguyên nhân tước đoạt quyền được học tập của trẻ em.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chiến sự tiếp diễn trong nhiều ngày qua tại Libya đã khiến ít nhất 205 người thiệt mạng và hơn 900 người khác bị thương. WHO cho biết, các đội hỗ trợ y tế đã được triển khai tới các bệnh viện dã chiến gần khu vực tiền tuyến để đưa ra sự hỗ trợ khi cần thiết.

Trước đó, ngày 17/4, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã đưa ra số liệu báo cáo cho thấy, các vụ đụng độ giữa LNA và GNA tiếp diễn tại khu vực phía Nam thủ đô Tripoli trong những ngày qua đã buộc 25.000 người phải rời bỏ nhà cửa./.

Thu Lan (Theo PressTV, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực