Liên hợp quốc cảnh báo sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông

Thứ sáu, 21/04/2017 14:53
(ĐCSVN) – Các cuộc xung đột dai dẳng đã biến Trung Đông trở thành mảnh đất màu mỡ của chủ nghĩa khủng bố. Chỉ tính riêng trong những năm gần đây, đã có khoảng hơn 30.000 chiến binh đến từ hơn 100 nước trên thế giới gia nhập các tổ chức khủng bố tại khu vực này.

Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov. (Ảnh: un.org)

Đây là số liệu thống kê đáng quan ngại được Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov đưa ra trong một phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, ngày 20/4.

Theo nhận định của ông Mladenov thì môi trường điều hành yếu kém cũng như tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Đông đã thúc đẩy sự lan rộng của các tổ chức bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số cơ quan khác liệt vào danh sách khủng bố. 

“Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng hơn 30.000 chiến binh khủng bố nước ngoài từ hơn 100 nước đã tới Trung Đông trong những năm gần đây để gia nhập các tổ chức khủng bố…Sự lan rộng cũng như các hành vi tích tụ tài nguyên và vũ khí của các phần tử này đã làm gia tăng mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Thậm chí một số chiến binh nước ngoài đã trở về nước bản địa và lan rộng bạo lực tại chính cộng đồng của các đối tượng này” – ông Mladenov cảnh báo.

Bên cạnh đó, đại diện của Liên hợp quốc này cũng nhấn mạnh tới những tác động nghiêm trọng về xã hội và nhân quyền gây ra bởi các cuộc xung đột tại Trung Đông. Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa tại khu vực này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ sau khi Thế chiến thứ II kết thúc. Thậm chí ở một số nước, sự rạn nứt về xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng, tấn công khủng bố bừa bãi nhằm vào dân thường… đã được ví như một “cơn bão hoàn hảo” càn quét Trung Đông và đe dọa tới hòa bình, an ninh thế giới.

Ông Mladenov cho biết: “Tại Syria, hàng trăm nghìn người đã bị sát hại từ năm 2011 và xấp xỉ một nửa dân số đã phải rời bỏ nhà cửa”. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại quốc gia này đang tạo ra nhiều áp lực về người tị nạn cho các nước láng giềng. Theo các số liệu thống kê, hiện đang có khoảng hơn 5 triệu người tị nạn Syria đăng ký với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong đó có 3 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 1 triệu người ở Li-băng và hơn 650.000 người tại Jordan.

Trong khi đó, tình hình tại Iraq cũng không sáng sủa hơn khi các cuộc giao tranh tiếp diễn tại Mosul hiện đã khiến hơn 334.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Tại Yemen – nước nghèo nhất ở khu vực Trung Đông, an ninh đi xuống nghiêm trọng cũng đã đẩy 18,8 triệu người vào tình cảnh cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 10,3 triệu người trong tình trạng khẩn cấp. Hơn 2 triệu người dân Yemen đang phải đi lánh nạn trong nước và khoảng hơn 2 triệu trẻ em nước này đang bị suy dinh dưỡng nặng.

Trước thực tế trên, ông Mladenov kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước trên thế giới hành động tối đa trong phạm vi của mình để có thể bảo vệ người dân trước tác động của các cuộc xung đột, dựa trên tinh thần của luật nhân đạo quốc tế. Bất kể nguyên nhân nào, dù là nhân danh tự vệ hay chống chủ nghĩa khủng bố, thì các hành vi lạm dụng nhân quyền trong các cuộc xung đột đều không thể bào chữa. Mà thay vào đó, những hành vi này sẽ chỉ càng khuyến khích sự lan rộng của bạo lực và chủ nghĩa cực đoan.

Ông Mladenov nói: “Trong thế giới ngày nay, không gì có thể biện minh cho chủ nghĩa khủng bố cũng như những lời lẽ nhằm tô điểm cho những kẻ thực hiện hành vi khủng bố. Tuy nhiên, nếu thiếu công lý, phẩm giá và các nỗ lực bảo vệ nhân quyền, thì các cộng đồng sẽ tiếp tục bị rạn nứt và tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan lan rộng…Sự chia rẽ trong khu vực đã mở rộng cánh cửa cho hành vi can thiệp từ bên ngoài và các âm mưu lôi kéo hòng gieo rắc sự bất ổn và bạo lực. Các cách tiếp cận và phối hợp đa chiều là cần thiết để giải quyết những cuộc xung đột có mối liên kết với nhau, cùng các tác động tiêu cực về nhân quyền và bạo lực cực đoan xuyên biên giới…Chúng ta không nên quên rằng, đằng sau những hình ảnh về sự tàn bạo, đằng sau các số liệu thống kê gây sốc về nỗi thống khổ của con người, là hàng triệu cuộc chiến đấu đang xảy ra hàng ngày, không chỉ vì sự tồn vong mà còn nhằm bảo vệ những tinh túy đích thực của xã hội và nền văn hóa của con người. Họ chính là những bộ mặt thật của Trung Đông, và chúng ta cần nỗ lực hết mình để giúp những con người này giành chiến thắng”./.

Thu Lan (Theo TASS, reliefweb)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực