Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng khan hiếm nước sạch tại Damascus (Syria)

Thứ sáu, 06/01/2017 11:10
(ĐCSVN) – Hàng triệu người dân tại thủ đô Damascus của Syria đang phải đối mặt với tình cảnh thiếu nguồn nước sạch trong vòng gần 2 tuần qua sau khi nguồn cấp nước chính cho thành phố ngừng hoạt động do hành vi phá hoại của phe nổi dậy.

Người dân đang lấy nước sạch từ một đường ống bên vệ đường tại thủ đô Damascus.
(Ảnh: AP)

Thông tin đáng quan ngại trên đã được người đứng đầu nhóm hỗ trợ nhân đạo cho Syria do Liên hợp quốc bảo trợ, ông Jan Egeland đưa ra trong cuộc trả lời báo chí tại thủ đô Geneva (Thụy Sĩ), ngày 5/1.

Cụ thể, ông Egeland cho biết, hiện 5,5 triệu người dân tại thủ đô Damascus đã bị cắt giảm nguồn cung nước sạch. Bên cạnh đó, ông Egeland cũng cho rằng, các hành vi phá hoại hoặc cản trở nguồn cung nước sạch cho người dân là một “tội ác chiến tranh”, đồng thời cảnh báo về nguy cơ bùng phát các dịch bệnh lây lan qua đường nước nếu như nguồn cung nước sạch cho Damascus không được phục hồi trở lại.

Nguồn cấp nước sạch bắt nguồn từ khu vực Wadi Barada ở gần thủ đô Damascus đã ngừng hoạt động từ ngày 22/12/2016, sau khi quân đội chính phủ phát động chiến dịch giành lại quyền kiểm soát khu vực này từ tay phe nổi dậy. Hiện các phe phái đối lập tại Syria vẫn đang cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân dẫn tới hậu quả này.

Trước đó, truyền thông Syria cho biết, các tay súng nổi dậy đã đổ dầu Mazut vào nguồn cấp nước chính cho thành phố Damascus ở thị trấn Ein al-Fijeh cách đó 25km về phía Tây Nam, buộc các nhà chức trách Syria phải cắt nguồn cấp nước sạch cho thủ đô Damascus và sử dụng lượng nước tích trữ. Theo số liệu thống kê, sông Barada và thị trấn Ein al-Fijeh cung cấp khoảng 70% lượng nước sạch cho người dân sinh sống tại thủ đô Damascus và các khu vực lân cận.

Tình trạng khan hiếm nước sạch đã khiến giá nước tại thủ đô Damascus bị đẩy cao tới mức chóng mặt. Người dân sinh sống tại thành phố này cho biết họ buộc phải mua nước đóng chai với mức giá cao gấp đôi so với bình thường trong bối cảnh nguồn cung nước sạch bị cạn kiệt và lượng nước ít ỏi còn sót lại đã bị ô nhiễm không thể sử dụng được.

Một thông tin đáng chú ý khác được ông Egeland đưa ra ngày 5/1 đó là thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 1 tuần qua trên phạm vi toàn lãnh thổ Syria đã góp phần thúc đẩy công việc của các nhân viên cứu trợ nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh đó, cố vấn nhân đạo của Liên hợp quốc về tình hình Syria cũng kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - với vai trò là các bên “kiến tạo” nên bản thỏa thuận ngừng bắn mới tại Syria, cần tôn trọng các cam kết đã đưa ra để giúp người dân có thể tiếp cận với các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Được biết, Bộ Ngoại giao Syria đã gửi một bức thư lên Liên hợp quốc nhằm lên án nhóm Takfiri Jabhat Fateh al-Sham (còn gọi là Mặt trận al-Nusra) đã phạm tội ác chiến tranh thông qua việc đầu độc và cắt nguồn cấp nước sạch cho thủ đô Damascus. Ngoài ra, thông điệp của cơ quan ngoại giao Syria cũng bày tỏ sự tiếc nuối trước “thái độ im lặng” của cộng đồng quốc tế liên quan tới những tội ác của phe nổi dậy.

Trong một diễn biến liên quan, Đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình Syria Staffan de Mistura, ngày 5/1 đã bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn và các vòng đàm phán sắp diễn ra giữa các phe phái đối lập Syria dự kiến diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan) vào ngày 23/1 tới sẽ giúp thúc đẩy các nỗ lực thiết lập hòa bình tại Syria do Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian.

Trước đó, ngày 31/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết dự thảo do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất về thiết lập một lệnh ngừng bắn tại Syria, song loại trừ vai trò tham gia của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Takfiri Jabhat Fateh al-Sham. Nghị quyết trên hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực từ phía Moscow và Ankara nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bạo lực, khởi động một tiến trình hòa giải chính trị tại Syria. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng kêu gọi thúc đẩy nhanh chóng các hoạt động cứu trợ nhân đạo trên khắp lãnh thổ Syria.

Theo đánh giá của giới quan sát, thỏa thuận ngừng bắn và các vòng đàm phán sắp diễn ra tại Astana sẽ mở ra cơ hội giải quyết cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm tại Syria. Tuy nhiên, con đường đi tới mục tiêu này vẫn còn rất nhiều chông gai trong bối cảnh khoảng cách giữa chính phủ và lực lượng đối lập tại Syria vẫn chưa được thu hẹp.

Ngày 5/1, liên minh đối lập chính tại Syria đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “ngay lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn từ phía chính quyền Damascus”, đồng thời cáo buộc Tổng thống Bashar al-Assad đã phạm phải tội ác chiến tranh ở Wadi Barada. Về phía chính quyền Damascus lại khẳng định sự có mặt của nhóm Takfiri Jabhat Fateh al-Sham tại Wadi Barada và nhóm này không được đề cập tới trong thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất. Tuy nhiên, thông tin này ngay lập tức đã bị phe đối lập lên tiếng bác bỏ./.

Thu Lan (Theo PressTV, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực