Liên hợp quốc kêu gọi bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột tại Libya

Thứ sáu, 03/05/2019 17:14
(ĐCSVN) – Ngày 2/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya - ông Ghassan Salame đã tái khẳng định tầm quan trọng của những nỗ lực bảo vệ dân thường trong bối cảnh các vụ đụng độ bạo lực giữa lực lượng chính phủ và quân đội miền Đông Libya đang tiếp diễn tại thủ đô Tripoli.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ lan rộng xung đột tại Libya

Hình ảnh bên trong một căn nhà bỏ hoang tại thủ đô Tripoli, ngày 2/5. (Ảnh: Xinhua)


Tuyên bố do Phái đoàn Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đưa ra ngày 2/5 cho biết, trên đường trở về Tripoli, ông Salame đã bị chặn lại bởi một cuộc biểu tình hòa bình tại Sabratha. Tại đây, Đặc phái viên Liên hợp quốc đã gặp gỡ một số đại diện của người biểu tình và lắng nghe những lo ngại cũng như mong muốn của họ liên quan tới việc bảo vệ an toàn cho dân thường. “Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya đã nhấn mạnh rằng bảo vệ thường dân chính là một ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc” – tuyên bố nêu rõ.

 

Trước đó, ngày 1/5, truyền thông địa phương đã phát đi hình ảnh cho thấy hàng chục người biểu tình tại Sabratha (cách thủ đô Tripoli 70km về phía Tây) đang cản trở đoàn tháp tùng ông Salame trên đường trở về Tripoli.

 

Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi bị lật đổ vào năm 2011, đất nước Libya đã trượt dài trong bất ổn kinh tế và chính trị. Vào năm 2015, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đã được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc song cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm quyền điều hành đất nước. Căng thẳng quân sự tại quốc gia Bắc Phi này đã leo thang trở lại sau khi lực lượng xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại miền Đông do tướng Khalifa Hafta cầm đầu phát động một chiến dịch quân sự chiếm thủ đô Tripoli khỏi sự kiểm soát của GNA vào đầu tháng 4/2019.

 

Theo số liệu thống kê mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 2/5, xung đột kéo dài nhiều ngày qua tại Libya đã khiến 392 người thiệt mạng, 1.936 người bị thương và khoảng 50.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

 

Tuy nhiên, những con số trên có nguy cơ sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới nếu như các cuộc giao tranh giữa LNA và GNA tiếp diễn. Phát biểu trong một phiên họp nội các ngày 2/5, Thủ tướng Libya Fayez Serraj tuyên bố, sẽ không có lệnh ngừng bắn nào được áp dụng cho tới khi lực lượng quân đội của phe đối lập “quay trở lại nơi xuất phát”.

 

Trong bối cảnh chiến sự leo thang tại Libya, một số nước gồm: Ấn Độ, Nepal và Mỹ đã điều chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của các nước này khỏi khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swarai đã nhiều lần kêu gọi tất cả các công dân nước này ngay lập tức rời khỏi Tripoli./.

Thu Lan (Theo Xinhua, business-standard.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực