Liên hợp quốc kêu gọi kiềm chế xung quanh quan hệ căng thẳng Mỹ - Iran

Thứ sáu, 17/05/2019 11:31
(ĐCSVN) – Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric kêu gọi tất cả các bên liên quan “kiềm chế tối đa” trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Iran và tại khu vực vùng Vịnh.

Các nghị sỹ Mỹ yêu cầu Tổng thống thông tin về chính sách đối với Iran

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric.
(Ảnh: themorning.lk).

 

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/5, ông Dujarric nhấn mạnh: “Chúng tôi rất quan ngại về sự biến động của tình hình hiện nay. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, chặn đứng mọi kịch bản làm gia tăng căng thẳng... Tình hình đang diễn biến khá nhanh và chúng tôi bày tỏ sự lo ngại về những lời tuyên bố mà chúng tôi đã nắm được”.

 

Ông Dujarric cho biết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang theo dõi sát tình hình và đã thực hiện những cuộc tiếp xúc cần thiết. “Thông điệp của chúng tôi và thông điệp của người đứng đầu Liên hợp quốc là các bên cần tỏ ra kiềm chế cả trong lời nói và hành động. Trong một số tình huống, cả lời nói và hành động đều có thể bị hiểu sai và có nguy cơ dẫn tới những hành động nghiêm trọng. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, việc các bên tỏ ra kiềm chế cả trong lời nói và hành động là điều rất, rất quan trọng” – phát ngôn viên Liên hợp quốc nói.

 

Thông điệp trên được ông Guterres phát đi trong bối cảnh Mỹ liên tiếp có những động thái gia tăng sức ép đối với Iran, thông qua việc liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố, áp đặt lệnh cấm vận toàn diện nhằm vào các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran và tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực vùng Vịnh.

 

Trong bối cảnh trên, nhiều nghị sỹ của đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày càng tỏ rõ sự quan ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Mỹ, đồng thời đề nghị Tổng thống D.Trump cập nhật thông tin về những bước đi tiếp theo.

 

Ngày 16/5, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bày tỏ mong muốn Quốc hội vào tuần tới sẽ được thông báo ngắn gọn về những điều mà Tổng thống D.Trump gọi là “mối đe dọa quân sự từ Iran”. Bà Pelosi nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp Mỹ thì thẩm quyền tuyên bố chiến tranh thuộc về Quốc hội, chính vì thế, các cố vấn của Tổng thống D.Trump cần nhận thức rõ một điều rằng “họ không có thẩm quyền để đưa ra quyết định này dưới bất kỳ hình thức nào”.

 

Trước sức ép ngày càng gia tăng từ phía các nhà làm luật Mỹ, trong một tuyên bố đưa ra trước thềm cuộc gặp người đồng nhiệm Thụy Sỹ Ueli Maurer ngày 16/5 tại Washington, Tổng thống D.Trump đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ không bị đẩy vào một cuộc chiến tranh với Iran. Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran năm 1979, từ ngày 21/5/1980, Mỹ đã chọn Thụy Sĩ đại diện các lợi ích của nước này tại Iran.

 

Dự kiến, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ lên đường sang Trung Quốc vào ngày hôm nay (17/5) và thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Tehran.

 

Phát biểu trước báo giới, ông Zarif hy vọng rằng Trung Quốc sẽ chia sẻ lập trường của Iran và bác bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong đó gồm một lệnh cấm vận được đưa ra từ tháng 11/2018 nhằm vào các hoạt động giao dịch dầu mỏ với Iran.

 

Hiện Trung Quốc đang là nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất từ Iran và cũng đã từng bày tỏ quan điểm phản đối việc Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran./.

Thu Lan (Theo PressTV, NHK, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực