Liên minh châu Âu duy trì cam kết đối với bản thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ sáu, 28/09/2018 22:17
(ĐCSVN) – Ngày 27/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) duy trì cam kết đối với bản thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới chừng nào chính quyền Tehran còn tuân thủ đầy đủ bản thỏa thuận này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. (Ảnh: AFP)


Phát biểu trước phiên họp của Đại hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Tusk nhấn mạnh, bản thỏa thuận hạt nhân Iran đã giúp tạo dựng một “khoảng trống” để các bên đối thoại về các mối quan tâm khác, gồm thái độ hành xử của Iran trong khu vực và chương trình tên lửa đạn đạo mà nước này đang theo đuổi.

 

Ông Tusk cho rằng, bản thỏa thuận hạt nhân Iran đóng vai trò tích cực đối với an ninh châu Âu, khu vực và toàn thế giới. Đây cũng chính là lý do tại sao EU cam kết duy trì bản thỏa thuận này – cho tới chừng nào Tehran còn duy trì một lập trường tương ứng.

 

Trên đây là những lập trường của ông Tusk liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào tháng 5/2018 đã quyết định rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm: Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ và Đức), đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp chống Iran.

 

Theo tinh thần của bản thỏa thuận còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran đồng ý giới hạn các hoạt động phát triển hạt nhân để đối lấy lệnh gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Bản thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ giúp khép lại một chương đầy tranh cãi và căng thẳng liên quan tới một hồ sơ hạt nhân gai góc nhất ở Trung Đông đã tồn tại trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc Mỹ bất chấp nỗ lực vận động của các đồng minh châu Âu và đơn phương đưa ra quyết định rút khỏi JCPOA và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran đã có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bất ổn mới khi Tehran cảnh báo về kịch bản nối lại các chương trình hạt nhân của nước này.

 

Trước bối cảnh trên, các cường quốc còn lại trong JCPOA đã theo đuổi nhiều nỗ lực để thuyết phục Iran tiếp tục ở lại và cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Trong một tuyên bố đưa ra mới đây, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết, liên minh này sẽ thành lập một thực thể pháp lý để tạo đối trọng với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thực thể pháp lý này – hay còn được biết đến với tên gọi “Công ty phục vụ mục đích đặc biệt – SPV” sẽ cho phép các công ty châu Âu tiếp tục các hoạt động trao đổi thương mại với Iran dựa trên tinh thần tuân thủ luật pháp châu Âu và có thể mở rộng giao dịch với các đối tác khác trên thế giới.

 

Bà Mogherini tin tưởng SPV – với vai trò duy trì các hoạt động thương mại với Iran song song với các lệnh trừng phạt Mỹ, sẽ được thiết lập trước tháng 11/2018 dù tới nay mới chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu. Theo quan điểm của bà Mogherini thì hiện Mỹ vẫn là một đồng minh vững mạnh nhất của EU, tuy nhiên, liên minh này không thể cho phép các nước khác quyết định việc mình được hợp tác làm ăn với ai.

 

Ngay lập tức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ quyết định của EU và xem đây là điều “không thể chấp nhận được”. Phát biểu tại một sự kiện của Liên hợp quốc, ông Pompeo nhấn mạnh, Mỹ đã cảm thấy “phiền lòng và trên thực tế là thất vọng mạnh mẽ khi nắm được thông tin cho rằng, các bên còn lại trong JCPOA đã tuyên bố thành lập một hệ thống thanh toán đặc biệt để né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ”.

 

Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng vừa lên tiếng chỉ trích động thái mới nhất của EU, đồng thời hối thúc hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu SWIFT “xem xét lại các biện pháp ứng phó với Iran”. Ông Bolton tuyên bố Mỹ không thể cho phép EU hay bất kỳ nước nào khác có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt mà nước này nhằm vào Iran./.

Thu Lan (Theo Xinhua, PressTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực